Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Hóa học xanh trở thành yếu tố then chốt trong các ngành công nghiệp


GreenBiz.vn - Hóa học là một ngành có vai trò quan trọng và liên quan tới rất nhiều ngành công nghiệp khác. Xu hướng phát triển hóa học xanh hiện nay được áp dụng trên rất nhiều khía cạnh và ở các ngành sử dụng nhiều hóa chất như dược phẩm, thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, đóng gói, quần áo, đồ điện tử và lĩnh vực xây dựng.

Thực tế khái niệm về ngành hóa học xanh đã có từ hơn một thập kỷ nay nhưng nó mới chỉ được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây do những lợi ích về kinh tế mà ngành công nghiệp này mang lại. Bên cạnh đó những điều luật và quy định mới về môi trường được đưa ra đồng thời với áp lực của người tiêu dùng cũng như các nhóm hoạt động về môi trường đã buộc các nhà sản xuất phải chú ý hơn đến vấn đề này.

Trong quá trình sản xuất, các công ty dược phẩm có khả năng giảm thiểu những hóa chất mà họ sử dụng và loại bỏ các hóa chất độc hại như các dung môi, chất phụ gia. Hiện nay có rất nhiều công ty dược phẩm của Mỹ đã là thành viên của hiệp hội Hóa học xanh của Mỹ.

Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có các tác động tiêu cực rõ rệt đến môi trường ở bất cứ ngành công nghiệp nào đã cho thấy cơ hội mở ra cho ngành hóa công nghiệp hóa học xanh trong loại sản phẩm này. Một số quá trình như việc loại bỏ chất gây nghiện (caffeine) trong hạt cà phê hay triết xuất hương liệu (hoa hublông) trong sản xuất bia có thể kết hợp với quá trình tăng áp và nén khí CO2 thay thế cho các dung môi hay các hóa chất độc hại.

Rất cần thiết phải áp dụng hóa học xanh trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm

Trong ngành công nghiệp đóng gói và sản xuất bao bì, gần đây những sản phẩm túi nilon có khả năng phân hủy sinh học đã trở nên quen thuộc và phổ biến. Ngày càng có nhiều công ty sử dụng những vật liệu có nguồn gốc sinh học trong các sản phẩm của mình.

Ngành mỹ phẩm bắt đầu với việc thay thế những thành phần độc hại sử dụng trong các sản phẩm bởi những hợp chất an toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc lựa chọn chất an toàn hơn cho người tiêu dùng vẫn gây tác động tiêu cực tới môi trường.

Như đã đề cập, thuốc trừ sâu và phân bón là một vấn đề lớn của các công ty đang phụ thuộc vào nông nghiệp. Trong thế giới sản xuất nguyên liệu vải, những tác động nhiều nhất tới môi trường là từ quá trình sử dụng thuốc nhuộm và tiêu thụ nước trong quá trình tẩy nhuộm. Có một số vật liệu thay thế cho bông đã được thử nghiệm nhưng một số khó khăn như giá và các yếu tố khác đã cản trở việc mở rộng triển khai sử dụng chất liệu vải bằng tre hay một số vật liệu tái chế khác.

Ngành công nghiệp điện tử là một lĩnh vực trong đó các công ty chịu rất nhiều áp lực từ các quy định về việc phải làm sạch những chất mà họ đã đưa vào sản phẩm cũng như từ phía các nhóm môi trường như Greenpeace. Một số công ty lớn như IBM, Nokia hay Apple là những công ty đi đầu trong việc cắt giảm những hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và trong các sản phẩm cuối cùng.

Trong ngành xây dựng và cung cấp nhà ở, các nhà đầu tư tìm kiếm những vật liệu thân thiện môi trường cho tòa nhà xanh đang có rất nhiều cơ hội lựa chọn về các loại sơn, gạch, giấy dán tường hoặc các vật liệu xây dựng không chứa các hợp chất độc hại.

Tuy nhiên vẫn tồn tại một vấn đề đó là trong khi những vật liệu có khả năng tái tạo nhưng lại chưa đạt được mục tiêu thân thiện với môi trường. Một trong những ví dụ là sự đa dạng sinh học đang bị tàn phá và thay thế bởi nông nghiệp độc canh như việc phát triển dầu cọ. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng phát triển dầu cọ là một hướng phát triển bền vững tuy nhiên trong 40 triệu tấn dầu cọ được khai thác hàng năm thì chỉ có 1,7 triệu tấn trong số đó được trồng lại.

GreenBiz.vn (tổng hợp)

Xu hướng hóa học xanh trong sản xuất dược phẩm


(Hóa học ngày nay-H2N2)-Khi phát triển các quá trình sản xuất có hiệu quả về mặt chi phí, các nhà sản xuất cũng thường tạo ra các quá trình sản xuất sạch hơn. Hai lĩnh vực hóa học quá trình và hóa học môi trường có cùng mục đích chung là tạo ra ít phề thải và phát thải hơn, giảm xuống tối thiểu tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng, vận hành an toàn hơn trong các điều kiện ít độc hại hơn. Ngày nay, đứng trước những thách thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các công ty sản xuất dược phẩm đang ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn các chất phản ứng, dung môi và các quá trình phản ứng để phát triển các quá trình sản xuất sạch hơn. 

Lượng phế thải trong sản xuất dược phẩm tương đối lớn. Tuy sản lượng các loại thuốc hàng năm chỉ bằng một phần nghìn sản lượng các hóa chất thông dụng, nhưng tỷ lệ phế thải sinh ra (một trong những thước đo hiệu quả quá trình) lại cao hơn nhiều, khoảng 25 - 100 kg phế thải/ kg sản phẩm. Mối quan tâm của ngành sản xuất dược phẩm đối với hóa học xanh đã tăng mạnh từ cuối thập niên 1990. Từ đó đến nay các nguyên tắc của hóa học xanh đã được áp dụng rộng rãi và nhiều trường hợp thành công đã nổi lên.

Những nguyên tắc đó là: bền vững về môi trường, hiệu quả về kinh tế và trách nhiệm xã hội. Trong thời gian cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua và bất chấp áp lực về năng suất cao, các công ty dược phẩm vẫn tiềp tục thực hiện các chương trình hóa học xanh của mình. Năm 2005, các hãng dược phẩm Pfizer, Merck, Lilly và Viện Hóa học xanh của Hội Hóa học Mỹ đã lập ra Hội nghị Bàn tròn dược phẩm với mục đích hỗ trợ việc kềt hợp hóa học xanh với sản xuất dược phẩm. Cho đền nay đã có10 hãng dược phẩm lớn tham gia chương trình này. Các hãng thành viên đã phát triển các chương trình riêng của mình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp làm việc. Hội nghị bàn tròn này đã trợ cấp hơn 650.000 USD cho các nhà khoa học để tìm ra các giải pháp hóa học xanh trong sản xuất dược phẩm. Bản thân các công ty cũng tạo ra các công cụ riêng để các nhà khoa học của họ có thể sử dụng khi áp dụng các nguyên tắc hóa học xanh trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm.

Năm 2006, Hội nghị bàn tròn dược phẩm nêu một nghiên cứu so sánh bằng cách sử dụng hệ số cường độ vật chất của quá trình do các thành viên cùng nhau thiềt lập. Kết quả của nghiên cứu đã xác nhận dung môi là nguồn phề thải chính trong sản xuất dược phẩm, chúng chiếm hơn 50% cường độ vật chất được sử dụng trong quá trình sản xuất các thành phần có hoạt tính dược học Từ đó, các nhà nghiên cứu đã xếp loại các dung môi dựa trên các tác động của chúng đối với sức khỏe, môi trường và an toàn nhằm mục đích đính hướng việc sử dụng các dung môi thích hợp hơn. Đồng thời, các thành viên Hội nghị bàn tròn dược phẩm đã tìm cách gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất dung môi nhằm thúc đẩy họ đưa ra thị trường các loại dung môi “xanh” hơn. Mặt khác, các hãng dược phẩm cũng đã lập ra hướng dẫn lựa chọn các chất phản ứng xét về các mặt như độ an toàn, khả năng nâng cấp quy mô sản xuất, khả năng ứng dụng chung.

Khi áp dụng các phản ứng “xanh” hơn và hiệu quả hơn, các công ty sản xuất dược phẩm không những phải xem xét việc giảm lượng phế thải mà còn phải xem xét lượng nguyên liệu đựoc sử dụng và bản chất của những gì đựoc tạo ra. Trong quá trình sản xuất các hợp chất dược phẩm mới, nhiều công ty đã đặt ra các mục tiêu căn cứ theo những thước đo như hệ số hiệu quả quá trình, tỷ lệ phế thải và hiệu suất khối lượng quá trình. Ví dụ, Công ty GlaxoSmithKline đã lập ra bộ chỉ số sinh thái để lựa chọn các nguyên liệu cơ bản và dung môi theo các nguyên tắc hóa học xanh và công nghệ xanh cũng như các quy định pháp lý đối với hóa chất. Ngoài ra, Công ty còn đưa ra bộ công cụ đánh giá nhanh tác động, cho phép sàng lọc các phưong pháp tổng hợp căn cứ theo tác động đối với môi trường trong thời gian tuổi thọ của sản phẩm. GlaxoSmithKline đã sử dụng các công cụ trên để so sánh các quy trình hóa học với các quy trình sử dụng xúc tác enzym khi sản xuất axit 7-aminocephalosporic. Các ước tính ban đầu cho thấy quy trình hóa học có hiệu suất cao hơn, nhưng quy trình xúc tác sinh học có hiệu quả cao hơn về mặt tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, và mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thấp hơn. Tương tự, tại GlaxoSmithKline một quy trình mới để sản xuất thuốc điều trị bệnh tiểu đường trong giai đoạn thử nghiệm II đã được áp dụng trên quy mô lớn, thay thế cho quy trình cề sử dụng nhiều năng lượng và nguyên liệu. Hiệu suất thu được không chỉ cao hơn 37%, mà tiêu thụ năng lượng còn giảm hơn một nửa và tiêu thụ dung môi giảm 81%, đồng thời lượng nước thải giảm 30%. Quy trình mới này sẽ tiết kiệm cho Công ty hơn 175 triệu USD mỗi năm về mặt chi phí nguyên liệu và chi phí xử lí phế thải. Giảm sử dụng dung môi và tái sử dụng phế thải.

Các nhà nghiên cứu luôn tìm kiếm các cơ hội để thu hồi hoặc tái chế các dòng phế thải trong sản xuất dược phẩm. Với những công cụ sàng lọc và đánh giá mới, họ có thể hiểu rõ những gì mà các quá trình sản xuất sẽ tạo ra và tìm cách thu hồi một số phế thải để cung cấp cho các lĩnh vực sản xuất khác, ví dụ cung cấp dung môi cho sản xuất sơn. Tại Hãng dược phẩm Pfizer, lượng dung môi clorofom sử dụng trong năm 2008 đã giảm 98%, từ năm 2005 hãng cũng đã ngừng sử dụng dung môi diisopropyl, giảm 60% lượng sử dụng dung môi diclometan. Những động lực chính đối với Pfizer trong nỗ lực giảm sử dụng dung môi này là giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí xử lí phề thải, và giảm xuống tối thiểu tác động đối với môi trường trong quá trình sản xuất.

Trong quá trình sản xuất Lyrica (sản phẩm bán chạy thứ hai của hãng), tất cả các bước sản xuất đều được thực hiện trong môi trường nước. Đây là quy trình sử dụng enzym đã được trao giải thưởng về thân môi trường. Nhờ quy trình này mà từ 2007 đến 2020 Pfizer có thể tránh được hơn 200.000 tấn phế thải là hóa chất hữu cơ, áp dụng hóa học xanh từ nghiên cứu đến sản xuất. Từ năm 2001, các sáng kiến về hóa học xanh của Pfizer đã liên kết các chuyên gia và các nhà hóa học trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, họ đã tạo ra một mạng lưới toàn cầu các nhà hóa học xanh với những chương trình có mục đích ảnh hưởng và thay đổi quan điểm trong ngành, làm cho hóa học xanh trở thành một phần của công việc hàng ngày. Các nhóm nghiên cứu cũng đề ra các giải pháp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các quy trình sản xuất thế hệ hai, được phát triển sau khi các quy trình thế hệ đầu đã được chấp thuận và áp dụng trong sản xuất. Họ tìm cách cải thiện các sản phẩm và thực hiện các thay đổi cơ bản ngay trong thời gian được bảo hộ sáng chế ban đầu. Các công nghệ và phương pháp mới lần lượt được đưa ra để ứng dụng sản phẩm một cách hợp lí, thân môi trường và tiết kiệm chi phí. Phần lớn các công ty dược phẩm đi theo xu hướng hóa học xanh sẵn sàng thực hiện các quá trình thay đổi đối với sản phẩm trong quá trình phát triển lâm sàng giai đoạn II, tức là trước khi công bố các thành phần hóa học để xin phép lưu hành sản phẩm.

Nhìn chung, sản phẩm của họ trải qua quá trình nghiên cứu và triển khai cùng với những nguyên tắc hóa học xanh. Tính chất thân môi trường của quá trình sản xuất được đánh giá ở các cấp khác nhau ngay trong quá trình phát triển loại thuốc mới. Đồng thời, các nhà sản xuất thuốc hết hạn bảo hộ sáng chế cũng đang tìm cách áp dụng các nguyên tắc hóa học xanh, đặc biệt là khi các phương pháp thân môi trường cũng mang lại hiệu quả kinh tế do giảm chi phí nguyên liệu và chi phí xử lề môi trường.

Tại Ấn Độ (cùng với Trung Quốc là nơi có nhiều nhà sản xuất thuốc giá rẻ), chi nhánh của Viện hóa học xanh thuộc Hội hóa học Mỹ đã thành lập Trung tâm Hóa học xanh tại Niu Đêli với mục đích hỗ trợ phát triển hóa học xanh. Công ty Newreka của Ấn Độ mới đây đã được giải thưởng hóa học xanh của Trung tâm do cung cấp cho các nhà sản xuất dược phẩm các công nghệ thân môi trường và các giải pháp làm sạch để tái chế dung môi. Công ty cũng tập trung vào việc sử dụng các xúc tác sắt trong các điều kiện nhẹ nhàng để thay thề các xúc tác độc hơn trong các quá trình khử, nitrat hóa và axetylat hóa. Các quá trình của Công ty có tốc độ chuyển hóa và tính chọn lọc cao hơn, nhờ đề tạo ra ít phế thải hơn và các dung dịch thải cũng dễ xử lí hơn. Ví dụ, một quá trình khử của Công ty cho phép tái sử dụng 25 lần dung dịch phản ứng với thành phần chính là nước.

Newreka và các nhà cung ứng công nghệ khác đã tìm cách đáp ứng nhu cầu công nghệ mới bằng cách chuyển từ phòng thí nghiệm sang các ứng dụng thương mại trong sản xuất dược phẩm. Ban đầu, việc áp dụng công nghệ xanh có thể sẽ tốn kém do chi phí phát triển và mở rộng sản xuất. Nhưng sau khi đi vào sản xuất ổn định, công nghệ xanh cho phép phát triển sản xuất một cách bền vững với chi phí ngày càng giảm. Trong khi đó, những nhà sản xuất không đầu tư vào hóa học xanh thì lúc đầu có thể sản xuất với giá thành thấp nhưng chi phí khắc phục các hậu quả môi trường sẽ ngày càng cao, khiến cho chi phí sản xuất ngày càng tăng, quá trình sản xuất sẽ trở nên không bền vững. Một trong những xu hướng hóa học xanh hiện nay là việc sử dụng ngày càng tăng các xúc tác hóa sinh trong sản xuất dược phẩm quy mô lớn cũng như việc áp dụng các quá trình sản xuất liên tục và các thiềt bị phản ứng cỡ micro.

Ví dụ, Công ty Pháp Novasep đã phát triển các thiết bị phản ứng cỡ micro, cho phép thực hiện phản ứng an toàn hơn và dễ thao tác hơn, tính chọn lọc cao hơn, tạp chất ít hơn nên giảm các bước làm sạch cuối dòng. Công ty cũng phát triển quy trình sắc kí liên tục, cho phép giảm lượng dung môi làm sạch và có thể tái chế hầu như toàn bộ dung môi nếu kết hợp với các phương pháp cô dung môi có hiệu quả. Nhờ áp dụng quy trình UCB dùng để tách các chất đồng phân đối ảnh, Công ty có thể tái chế 99,97% dung môi trong khi sản xuất hàng trăm tấn thuốc mỗi năm. Đối với các quy trình tách quy mô nhỏ, Novasep sử dụng hỗn hợp CO2 tái chế và dung môi hữu cơ 2 - 20%. Công nghệ này rất phù hợp cho các phòng thí nghiệm điều chế nhỏ với sản lượng từ vài gam đến vài kg, phục vụ nhu cầu phát triển hóa chất.

Tuy ngành sản xuất dược phẩm đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong xu hướng hóa học xanh, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để đổi mới và còn nhiều lĩnh vực cần được cải tiến. Việc xử lí các dung môi cả về mặt chất lượng và khối lượng chỉ mới là những bước đi đầu tiên. Những yêu cầu ngày càng cao đang đòi hỏi các giải pháp sáng tạo hơn để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Mặt khác, cũng có thể đạt được nhiều tiền bộ chỉ đơn giản bằng cách làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về hóa học xanh và thay đổi các thói quen cũ.

Theo Chemical & Engineering News/Vinachem

Ứng dụng hóa học xanh trong sản xuất các amin


(Hóa học ngày nay-H2N2)-Một nhóm các nhà khoa học tại đại học Riverside (California) vừa phát minh ra một phương pháp tổng hợp các amin. Công nghệ mới này không phức tạp, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế cao. Amin là những hợp chất chứa nitơ dẫn xuất từ amoniac được ứng dụng nhiều trong công nghiệp như: làm dung môi, chất phụ gia, chất ức chế ăn mòn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, thuốc sát trùng…
Hiện nay, quy trình sản xuất amin thường trải qua hai giai đoạn với chi phí khá cao và tạo ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Giáo sư Guy Bertrand, người chủ trì công trình nghiên cứu nói: “Mặc dù đã có một số phương pháp tổng hợp hợp chất amin ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng hầu hết đều không phù hợp khi áp dụng ở quy mô công nghiệp. Không những do chúng sinh ra các chất thải mà còn do giá thành của chúng quá cao”.

Bertrand giải thích rằng, hiện nay nhiều công ty sử dụng axit clohyđric, một dung dịch có tính ăn mòn cao để sản xuất hợp chất amin. Và Để tạo ra một tấn amin nhà sản xuất đã thải ra ba tấn phế thải, làm tăng giá thành của sản phẩm.

Phương pháp “hóa học xanh” của chúng tôi không tạo ra các chất thải, nhờ đó giá thành sản phẩm thấp hơn nhiều. Bertrand nói thêm “Hơn nữa, phản ứng chỉ xảy ra theo một giai đoạn và chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ chất xúc tác”

Chất xúc tác đó là một phức chất của vàng liên kết với phối tử cacben amino alkyl vòng (cyclic alkyl amino carbene) được Bertrand điều chế từ năm 2005. Trong quá trình phản ứng chất xúc tác giúp thực hiện cộng hợp trực tiếp giữa amoniac và các hợp chất hữu cơ. Chẳng hạn phản ứng kết hợp giữa amoniac và axetylen để tạo thành một dẫn xuất amin; một liên kết giữa cacbon và nitơ được tạo thành trong phản ứng này.

Theo Bertrand: “Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của hóa học là phát triển các quá trình phản ứng có sự kết hợp trực tiếp giữa amoniac và một phân tử hợp chất hữu cơ tạo thành các liên kết cacbon-nitơ. Các phản ứng này có ưu điểm là lượng nguyên liệu ban đầu đúng bằng khối lượng sản phẩm tạo ra mà không có chất thải”

Mỗi năm trên thế giới có hơn 100 triệu tấn amoniac được sản xuất và các hợp chất amin được sản xuất cũng rất lớn. Amin có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Nó là thành phần thiết yếu cho cuộc sống. Chúng thường có trong dược phẩm và các vitamin, ngoài ra còn được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, chất tẩy rửa, hóa chất bảo vệ thực vật, nhựa….

“Nghiên cứu của chúng tôi mở ra hướng cho việc tìm kiếm các chất xúc tác cho phản ứng cộng hợp trực tiếp amoniac với các alken đơn giản (những hợp chất hữu cơ có chứa một liên kết đôi C=C). Quy trình công nghệ này được công nhận rộng rãi và được coi là một trong mười thành công đáng chú ý nhất của hóa học xúc tác” Bertrand nói.

Văn phòng thương nghiệp UCR đã cấp bằng sáng chế cho công trình nghiên cứu sử dụng chất xúc tác mới này, và phòng thí nghiệm của Bartrand đang tìm kiếm đối tác để phát triển và sản xuất.

Nguồn Hoahocngaynay.com/ScieneDaily

Tiếp cận "Hóa học xanh"

Cuộc sống càng phát triển, các ngành khoa học ứng dụng ngày một đòi hỏi phải thân thiện hơn với môi trường, và hóa học cũng không ngoại lệ. Thuật ngữ “Hóa học xanh” là một định nghĩa mang tính tương đối nói lên sự thân thiện của hóa học với môi trường. Khi đề cập đến “Hóa học xanh” người ta thường nghĩ đến sự ca ngợi một khám phá mới nào có tính đóng góp cho việc nâng cao sự thân thiện môi trường. Bài viết này nhằm mục đích xác định rõ ràng và chính xác khái niệm về “hóa học xanh” được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học.

Hóa học xanh thực sự là khái niệm về phát triển hóa học một cách bền vững và trong một số bài báo còn được gọi là "hóa học bền vững". Đó là một cách suy nghĩ tích cực cho hóa học để khuyến khích phát triển các phương pháp và tạo ra các sản phẩm thay thế nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng các chất nguy hiểm. Một vấn đề quan trọng hơn là khả năng đánh giá mức độ nguy hiểm trong một khoảng thời gian dài hơn.



Thực tế, từ năm 1850, những thành tích đạt được trong hóa học, đặc biệt là ở quy mô công nghiệp, thường để lại những hậu quả lớn có hại cho môi trường. Đôi khi, không phải chỉ đơn giản là các sản phẩm hóa học được sản xuất gây hại cho môi trường mà còn là vấn đề trong quá trình sản xuất đòi hỏi các thao tác xử lý sản phẩm có độ rủi ro cao và hình thành chất thải hóa học rất khó để loại bỏ.



Khái niệm về “hóa học xanh” xuất phát từ các kiến nghị của Hiệp ước Phòng chống ô nhiễm được thông qua Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1990. Ý tưởng về cách tốt nhất để giảm chi phí do ô nhiễm là kiểm soát ngay tại nguồn hơn là giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thải chất độc hóa học vào môi trường. Năm 1998, Paul Anastas, nhân viên của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Hoa Kỳ, cho công bố một bài báo (cùng hợp tác với J. C. Warner) đặt ra 12 nguyên tắc của “hóa học xanh”. Bất kỳ quá trình hóa học nào đều phải đáp ứng được 12 tiêu chuẩn mới có thể được xem là thực sự bền vững và không có tác động xấu đến môi trường. 12 nguyên tắc hóa học xanh như sau :



1- Biện pháp phòng ngừa : Việc ngăn ngừa phát sinh chất thải sẽ tốt hơn việc làm sạch, xử lý hoặc tái chế chất thải sau đó.



2- Kinh tế hóa quy trình ngay ở mức nguyên tử : Các phương pháp tổng hợp hoá chất phải được thiết kế sao cho phần lớn các nguyên tử từ tác chất được tìm thấy trong sản phẩm cuối cùng. Ví dụ thực tế là việc thêm một nhóm bảo vệ một nhóm chức, kế đến loại bỏ nó sau một số giai đoạn là một phương pháp có tính tiết kiệm nguyên tử rất thấp.



3- Tổng hợp những chất ít gây nguy hiểm : Nếu có thể, phương pháp tổng hợp cần được thiết kế để sử dụng và tạo ra những chất có độc tính rất ít thậm chí không độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường.



4- Việc thiết kế quy trình sử dụng các hóa chất an toàn hơn : Hóa chất sản xuất phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng phải có độc tính rất thấp. Mục tiêu này liên quan đến việc nâng cao tính chọn lọc của các hợp chất và thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu độc tính.



5- Sử dụng các dung môi hoặc chất phụ trợ an toàn hơn : Việc sử dụng các chất phụ trợ cũng như dung môi, các tác nhân phân tích cần phải được lựa chọn kỹ càng nhằm tránh những tác động bất lợi phát sinh. Các phân tử hóa học ở pha rắn và các dung môi có thể sử dụng lại là các công cụ có thể giúp thực hiện được mục đích này.



6- Tiết kiệm năng lượng: Tác động kinh tế và môi trường từ chi phí năng lượng của các quá trình hóa học cần được xem xét. Lý tưởng nhất, các phản ứng phải được thực hiện ở nhiệt độ và áp suất phòng.



7- Sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo: Các vật liệu và chất phản ứng của cho các quá trình hóa học thường lấy từ các nguồn tái tạo hơn là tài nguyên sẵn có. Một số lượng lớn các hóa chất thương mại được sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch khác, trong khi nhiều người đã biết sử dụng nguồn năng lượng sinh khối.





8- Giảm các chất dẫn xuất: Các dẫn xuất của các hợp chất tổng hợp, chẳng hạn như các nhóm chất bảo vệ và phụ trợ quang hoạt, chúng ta nên tránh hoặc giảm thiểu tối đa việc sử dụng chúng, bởi vì việc đó tạo nên các quá trình đòi hỏi bổ sung các chất thử và tạo ra chất thải, cũng như một hiệu suất sử dụng tác chất rất thấp.



9- Chất xúc tác: Nếu có thể, việc sử dụng hàm lượng cao của tác chất để tăng chuyển dịch cân bằng về sản phẩm nên được thay thế bằng các chất xúc tác để làm giảm lượng chất thải và các sản phẩm để xử lý. Có nhiều loại chất xúc tác khác nhau (hợp chất cơ kim, hữu cơ, enzyme, v.v.) có thể được áp dụng cho một loạt các phản ứng.



10- Tạo các sản phẩm có khả năng phân hủy: Các sản phẩm sản xuất ra phải thực hiện được chức năng mong muốn, và sau đó phân hủy thành các chất vô hại sau khi sử dụng. Tiêu chí này nhằm tránh sự tích tụ các chất hóa học khi thải ra môi trường và trong các dây chuyền sản xuất thực phẩm.



11- Phân tích thời gian thực của các chất ô nhiễm: Các phương pháp phân tích sẽ cho phép theo dõi chính xác thời gian hình thành các hợp chất độc hại trong suốt quá trình. Từ đó có thể xác định được mục đích, định lượng, và kiểm soát lượng khí thải một cách hợp lí nhất của các hợp chất này.



12- Phát triển hóa học an toàn hơn: Cần lựa chọn các tác chất cho các quá trình hóa học một cách cẩn thận để tránh gây ra tai nạn như cháy, nổ hoặc sự lan rộng của các chất gây ô nhiễm nghiêm trọng.



Rõ ràng là không dễ để đáp ứng được theo những ý kiến được đề ra, và đến nay vẫn chưa có qui trình hóa học nào có thể thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn hoàn hảo. Thay vào đó, họ được đề nghị được áp dụng các quy trình mới hoặc cải thiện quy trình hiện có.



Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hóa học có thể được nhìn nhận hoàn toàn là “hóa học xanh", nhưng việc đưa ra những cân nhắc về môi trường mà các nhà khoa học và kỹ sư đã thực hiện là một bước tiến tốt. Những đề nghị này được kiến nghị trong tình hình kinh tế khó khăn và sự khan hiếm nguyên liệu. Đáp ứng “hóa học xanh” rõ ràng là nhiệm vụ vô cùng phức tạp nhưng hết sức cần thiết cho việc phát triển một quá trình hóa học trên quy mô công nghiệp. Và không chỉ dừng lại ở các quy mô công nghiệp, các nguyên tắc "hóa học xanh" vẫn phải được áp dụng cho các quy mô nhỏ hơn như là phòng thí nghiệm và nghiên cứu hóa học.



Nguyễn Toàn Thắng

Chỉnh sửa và bổ sung : Lê Phúc Nguyên - Nhóm Ichem

Để Ngành Hóa Chất mang màu xanh

Các qui trình mới trong phòng thí nghiệm có thể ngăn cản việc tạo ra các chất gây ô nhiễm và sản xuất ra những sản phẩm không gây tổn hại tới môi trường. Công nghệ đang phát triển này đang làm giảm thiểu việc sử dụng các nguyên liệu có hại trong thiết kế và phát triển, do đó đây là một phương pháp tiếp cận mới mẻ để giảm bớt ô nhiễm.

Cheryl Pellerin là một người chuyên viết về chủ đề khoa học cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Văn phòng Các chương trình thông tin quốc tế.

Thuật ngữ hóa chất xanh chỉ việc thiết kế ra những sản phẩm hóa chất và qui trình hóa học để giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn việc tạo ra và sử dụng những chất có hại. Phong trào này được khởi xướng tại Hoa Kỳ với việc thông qua Đạo luật phòng chống ô nhiễm năm 1990, một đạo luật đề ra chính sách quốc gia trong việc ngăn chặn hay giảm bớt tận gốc nạn ô nhiễm bất cứ khi nào có thể.

Đạo luật này cũng cho phép vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống của những chương trình thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và đưa ra những chiến lược mang tính sáng tạo để bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Theo luật này, việc giảm tận gốc ô nhiễm là “một cách tiếp cận hoàn toàn mới và đáng khuyến khích hơn so với việc quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm”.

Sau khi Đạo luật được thông qua, Văn phòng Phòng chống Ô nhiễm và các chất độc hại của EPA (OPPT) bắt đầu nghiên cứu xem xét ý tưởng về việc phát triển và cải thiện các sản phẩm hóa chất và qui trình hóa học để làm cho chúng bớt nguy hại hơn. Vào năm 1991, OPPT đã phát động một chương trình mẫu, lần đầu tiên tài trợ cho các dự án nghiên cứu có đưa việc ngăn ngừa ô nhiễm vào trong việc tổng hợp các hóa chất. Từ đó đến nay, Chương trình hóa chất xanh của EPA đã xây dựng được các mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, với các ngành công nghiệp, với các cơ quan chính phủ khác, và với các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy việc ngăn ngừa ô nhiễm thông qua ngành hóa chất xanh.

Ngành hóa chất xanh trong thực tiễn

Việc sản xuất các hóa chất là nguồn gốc của nhiều sản phẩm có ích, ví dụ như thuốc kháng sinh và các loại tân dược khác, chất dẻo, xăng và các loại nhiên liệu khác, các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, và các loại vải tổng hợp như nilông, tơ nhân tạo và sợi tổng hợp. Các sản phẩm này đều rất quan trọng, tuy nhiên một số hóa chất hay qui trình hóa học để chế tạo ra chúng lại gây tổn hại cho môi trường và sức khỏe của con người. Ngành hóa chất xanh có mục đích làm giảm bớt ô nhiễm bằng cách ngăn ngừa việc tạo ra các chất độc hại này ngay từ đầu.

Khi thiết kế một phản ứng hóa học theo nguyên tắc của ngành hóa chất xanh này, các nhà hóa học phải đặc biệt chú ý đến những mối nguy hại mà một hóa chất có thể gây ra cho sức khỏe hay cho môi trường trước khi quyết định sử dụng hóa chất đó trong phản ứng, hay tạo ra nó như một sản phẩm hóa học. Nói một cách khác, họ cần phải coi mối nguy hại mà một chất có thể gây ra như một thuộc tính cần được xem xét bên cạnh các thuộc tính hóa lý khác, và họ phải lựa chọn những chất nào gây ra mức nguy hại tối thiểu.

Trong cuốn sách xuất bản vào năm 1998 mang tựa đề Ngành hóa chất xanh: Lý thuyết và thực tiễn (Nhà Xuất bản Đại học Oxford), Paul Anastas và John Warner đã đưa ra 12 nguyên tắc như một lộ trình cho các nhà hóa học trong việc thực hiện hóa chất xanh. Dưới đây chúng tôi xin đề cập đến bốn trong số 12 nguyên tắc đó.

1. Bắt đầu an toàn: Xác định những phản ứng sử dụng những vật liệu không độc hại để chế tạo ra sản phẩm mong muốn.

Điều này làm giảm nguy cơ đối với công nhân trong các nhà máy chế tạo khi họ phải tiếp xúc với hóa chất, và ngăn chặn được việc vô tình để rò rỉ hoặc cháy nổ các hóa chất độc hại. Một phương pháp mới trong việc chế tạo một hóa chất công nghiệp quan trọng, chất adipic acid, sẽ minh họa cho nguyên tắc này.

Mỗi năm, người ta cần khoảng 2 tỉ kilogram chất adipic acid để chế tạo ra nilông, polyurethane (loại nhựa tổng hợp dùng để chế tạo ra sơn), dầu nhờn, và chất chế tạo chất dẻo. Cách thông thường để chế tạo ra adipic acid là sử dụng benzen, một hóa chất có thể gây ung thư, để làm nguyên liệu ban đầu. Nhưng trong qui trình mới theo đó sử dụng một vi khuẩn đã được biến đổi gen gọi là chất xúc tác sinh học, người ta đã thay thế benzen bằng đường glucô đơn giản.

2. Sử dụng những nguồn tài nguyên tái sinh: Cần phải đề cao việc sử dụng những vật liệu ban đầu có khả năng tái sinh, chẳng hạn như những chất lấy từ cây đang trong quá trình tăng trưởng, hơn là sử dụng những vật liệu không thay thế được, như xăng hay khí tự nhiên.

3. Tìm các dung môi an toàn hơn: Phải loại bỏ việc sử dụng các dung môi độc hại để hòa tan các vật liệu có phản ứng hóa học với nhau.

4. Tiết kiệm nguyên tử: Cần phải thiết kế ra những phản ứng hóa học trong đó gần như tất cả các nguyên tử mà bạn sử dụng ban đầu đều phải được thể hiện trong sản phẩm tạo ra chứ không phải trong các phụ phẩm phế thải.

Việc chú ý đến những nguyên tắc này sẽ giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiều tiền bạc cho các công ty về lâu dài bằng cách giảm chi phí cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và sử dụng ít năng lượng hơn.

Sự quan tâm của quốc tế

Kể từ thập niên 1990, nhiều tổ chức khắp nơi trên thế giới đã quan tâm đến khái niệm ngành hóa chất xanh.

Viện Hóa học Xanh CGI (http://www.chemistry.org/portal/a/c/s/1/acsdisplay.html?DOC=greenchemistryinstitute%5cindex.html) là một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Hội Hóa học Hoa Kỳ, được thành lập để thúc đẩy phong trào hóa học xanh thông qua nghiên cứu, giáo dục, truyền bá thông tin, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, và hợp tác quốc tế. Có hơn 20 tổ chức đặt quan hệ với Viện Hóa học Xanh ở Canada, Ấn Độ, Italia, Trung Quốc, Nam Phi và Thái Lan.

Ở Vương quốc Anh, Hội Hóa học Hoàng gia đã khởi xướng mạng lưới Hóa học Xanh GCN (http://www.chemsoc.org/networks/gcn) đặt tại Khoa Hóa học trường Đại học York. Mạng lưới này thúc đẩy nhận thức và tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, và triển khai hóa học xanh trong các ngành công nghiệp, thương mại,, viện nghiên cứu, và trong trường học.

Sáng kiến Đối tác CRYSTAL FARADAY (http://www.crystalfaraday.org) ở Vương quốc Anh cũng là một trung tâm nổi tiếng về công nghệ hóa học xanh, trung tâm này được tiếp sức bởi những nguồn lực của các thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu và các ngành công nghiệp để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất bền vững và chi phí thấp. Ba tổ chức quan trọng của chương trình đối tác này là Tổ chức kỹ sư hóa chất, Hội Hóa học Hoàng gia, và Hiệp hội các ngành công nghiệp hóa chất. 10 tập đoàn và tổ chức công nghệ liên kết và 18 trường đại học khác cũng tham gia vào chương trình đối tác này.

Ở Nhật Bản, Mạng lưới Hóa học xanh và bền vững GSCN (http://www.gscn.net/indexE.html) cũng thúc đẩy nghiên cứu và phát triển hóa học xanh và bền vững thông qua hợp tác, trong đó có những hoạt động quốc tế, trao đổi thông tin, truyền thông, giáo dục, và đề xuất xin tài trợ của các cơ quan tài chính. Các thành viên của mạng lưới này bao gồm 24 hội, hiệp hội và tổ chức công nghiệp lớn.

Người đi tìm "hóa học xanh"


PGS-TS Phan Thanh Sơn Nam (bìa trái) cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm mới
ở ĐH Bách khoa TP.HCM (Con trai tôi người thứ hai từ phải qua trái)
PN - Trong 121 giảng viên, giáo viên nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" của Thành Đoàn năm nay, duy nhất tiến sĩ (TS) Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Bách khoa TP.HCM) có học hàm phó giáo sư. Anh cũng là người trẻ thứ nhì (32 tuổi) của cả nước được phong học hàm này vào tháng 11/2009.

Những năm học phổ thông ở Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phan Thanh Sơn Nam (SN 1977) yêu thích toán và hóa học, nhưng rất “ấm ức” vì thường xuyên phải tưởng tượng các phản ứng hóa học trong đầu thay vì được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Học “chay” mãi môn hóa nên Sơn Nam quyết chí thi vào ngành hóa ĐH Bách khoa TP.HCM. Từ tỉnh lẻ về TP học, không được học bổng ở học kỳ đầu tiên, phải vay tiền ngân hàng để đóng học phí, anh gần như “phân thân” giữa công việc “gia sư” và học tập. Dù vậy, anh vẫn liên tục đoạt học bổng từ học kỳ II năm nhất cho đến khi tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học.


PGS-TS Phan Thanh Sơn Nam (bìa trái) cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm mới
ở ĐH Bách khoa TP.HCM (Con trai tôi người thứ hai từ phải qua trái)

Năm 2001, đề án 322 của Bộ GD-ĐT triển khai lần đầu việc cấp học bổng toàn phần để đào tạo TS, Sơn Nam “bạo gan” ứng thí. Sau khi hoàn tất phần thi tuyển toán, tiếng Anh và bảo vệ đề cương luận án TS liên quan đến hóa học xanh (hóa học thân thiện với môi trường), Phan Thanh Sơn Nam trở thành nghiên cứu sinh ở ĐH Sheffield (Anh).

Trong lúc 40% bạn đồng môn ở Khoa Kỹ thuật hóa học ĐH Sheffield bỏ cuộc giữa chừng, những người còn lại mất từ bốn - năm năm mới hoàn thành chương trình TS, thì Sơn Nam lấy được học vị này chỉ mất đúng ba năm.

Vài tháng cuối ở Anh, Sơn Nam đã gửi năm bộ hồ sơ tìm học bổng chương trình postdoc (thực tập sinh sau TS) ở các trường ĐH Anh, Mỹ nên chỉ ba tháng sau khi có học vị TS, anh lại “khăn gói” đến Viện công nghệ Georgia (Mỹ) tiếp tục làm việc hai năm. Ở Anh, trừ 20 phút ăn trưa, Nam đều miệt mài trong phòng thí nghiệm từ 7g30 - 18g30 hàng ngày nhưng ở Mỹ, anh có thể “cà thẻ” để vào phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào nên đã tận dụng cơ hội thực hành quý báu này để theo đuổi lĩnh vực chuyên môn về xúc tác cho hóa hữu cơ, "hóa học xanh" thân thiện với môi trường.

Năm 2006, TS Phan Thanh Sơn Nam về nước, trở thành chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hữu cơ (Khoa Kỹ thuật hóa học). Từ năm 2004-2010, Sơn Nam có mặt trong những nhóm nghiên cứu khác nhau để “trình làng” 10 công bố khoa học tiêu biểu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Anh còn là chủ nhiệm bốn đề tài khoa học được xếp loại tốt và xuất sắc. Nhìn lại thành quả bước đầu đó, Sơn Nam khẳng định: “Năng khiếu và may mắn chỉ một phần, quan trọng nhất là siêng năng làm việc”.

Sơn Nam đã ba lần nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT khi góp phần hướng dẫn sinh viên đoạt hạng nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2001, 2008, 2009.

Trong chương trình hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM và ĐH UCLA (Mỹ), TS Phan Thanh Sơn Nam nhận nhiệm vụ xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực vật liệu MANAR (cấu trúc nano và phân tử) và chương trình đào tạo TS cùng lĩnh vực này. Qua đó, Sơn Nam quản lý một phòng thí nghiệm có kinh phí đầu tư khoảng 36 tỷ đồng. Trong suốt buổi nói chuyện với TS Phan Thanh Sơn Nam, anh luôn “lái” câu chuyên về lại phòng thí nghiệm này với mong muốn “nhà báo quảng bá giùm để chúng tôi tập họp được thêm nhiều nghiên cứu sinh hơn nữa, vì công tác khoa học không thể làm việc một mình và càng quy tụ nhiều người mình càng có cơ hội học hỏi”.

Bạn làm quen với TS Phan Thanh Sơn Nam qua email: ptsnam@hcmut.edu.vn.

Hóa học xanh

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có tầm quan trọng đặc biệt trong từng quốc gia, trong tất cả các ngành kinh tế và đặc biệt trong ngành hóa chất – một trong các ngành gây ô nhiễm lớn nhất do tính độc, tính oxy hóa, tính cháy nổ của các hóa chất.

Các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức, các đảng hoạt động với tôn chỉ bảo vệ môi trường, giữ gìn sự xanh, sạch, đẹp của trái đất đều chọn màu xanh là biểu tượng của mình như đảng Xanh hoặc nhóm Hòa bình Xanh. Màu xanh cũng được các nhà hóa học chọn lựa làm biểu tượng cho hóa học bền vững dưới tên gọi hóa học xanh. Hóa học xanh nghĩa là thiết kế, phát triển và ứng dụng các sản phẩm hóa chất cũng như các quá trình sản xuất, tổng hợp hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại trừ việc sử dụng các chất gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Dưới đây là những nét chính liên quan đến khái niệm, tình hình phát triển, hiệu quả và khả năng áp dụng hóa học xanh trong các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo cũng như sử dụng hóa chất.

Mục tiêu của hóa học xanh là mục tiêu có tính chất khoa học hướng tới sự phát triển bền vững. Khái niệm phát triển bền vững thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các quốc gia khi năm 1987 Liên hợp quốc công bố bản báo cáo “Tương lai của chúng ta ”; trong báo cáo này sự phát triển bền vững được định nghĩa là “sự phát triển đáp ứng những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau ”. Như thế, phát triển bền vững đòi hỏi phải đạt tới hai mặt được coi là mâu thuẫn với nhau, một mặt phải phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người và nhằm thỏa mãn sự tăng dân số thế giới, mặt khác tính bền vững trong phát triển đòi hỏi phải giới hạn và thay đổi cách sử dụng các nguồn tài nguyên và sinh thái để không những bảo tồn mà còn cải thiện tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai. Môi trường là nơi chúng ta sinh sống, còn phát triển là cái mà chúng ta cố gắng làm để cho mọi thứ ngày càng tốt hơn trong môi trường đó.

Tại Mỹ, hóa học xanh bắt đầu thu hút sự quan tâm từ năm 1990 khi Luật ngăn ngừa ô nhiễm ra đời, khái niệm hóa học xanh được nhà hóa học hữu cơ Paul T. Anastas, định nghĩa lần đầu tiên. Năm 1991 Chương trình Hóa học xanh bắt đầu được triển khai thực hiện ở qui mô rộng rãi và phổ biến hơn. để tuyên truyền và phổ biến áp dụng hóa học xanh, rất nhiều quốc gia đã thành lập Giải thưởng Hóa học xanh như tại Anh, ôxtrâylia, Italia, đức,…. Hạt nhân quan trọng nhất của hóa học xanh là mười hai nguyên tắc hóa học xanh do ông Anastas và GS. John C. Warner của Trường đại học Massachusetts, Boston đề xuất. Mười hai nguyên tắc của hóa học xanh có thể được tóm tắt như sau:

1. Ngăn ngừa: Tốt nhất là ngăn ngừa sự phát sinh của chất thải hơn là là xử lý hay làm sạch chúng.

2. Tính kinh tế: Các phương pháp tổng hợp phải được thiết kế sao cho các nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp có mặt tới mức tối đa trong sản phẩm cuối cùng.

3. Phương pháp tổng hợp ít nguy hại: Các phương pháp tổng hợp được thiết kế nhằm sử dụng và tái sinh các chất ít hoặc không gây nguy hại tới sức khỏe con người và cộng đồng.

4. Hóa chất an toàn hơn: Sản phẩm hóa chất được thiết kế, tính toán sao cho có thể đồng thời thực hiện được chức năng đòi hỏi của sản phẩm nhưng lại giảm thiểu được tính độc hại.

5. Dung môi và các chất phụ trợ an toàn hơn: Trong mọi trường hợp có thể nên dùng các dung môi, các chất tham gia vào quá trình tách và các chất phụ trợ khác không có tính độc hại.

6. Thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng: Các phương pháp tổng hợp được tính toán sao cho năng lượng sử dụng cho các quá trình hóa học ở mức thấp nhất. Nếu như có thể, phương pháp tổng hợp nên được tiến hành ở nhiệt độ và áp suất bình thường.

7. Sử dụng nguyên liệu có thể tái sinh: Nguyên liệu dùng cho các quá trình hóa học có thể tái sử dụng thay cho việc loại bỏ.

8. Giảm thiểu dẫn xuất: Vì các quá trình tổng hợp dẫn xuất đòi hỏi thêm các hóa chất khác và thường tạo thêm chất thải.

9. Xúc tác: Tác nhân xúc tác nên dùng ở mức cao hơn so với đương lượng các chất phản ứng.

10. Tính toán, thiết kế để sản phẩm có thể phân hủy sau sử dụng: Các sản phẩm hóa chất được tính toán và thiết kế sao cho khi thải bỏ chúng có thể bị phân huỷ trong môi trường.

11. Phân tích thời gian hữu ích để ngăn ngừa ô nhiễm: Phát triển các phương pháp phân tích cho phép quan sát và kiểm soát việc tạo thành các chất thải nguy hại.

12. Hóa học an toàn hơn để đề phòng các sự cố: Các hợp chất và quá trình tạo thành các hợp chất sử dụng trong các quá trình hóa học cần được chọn lựa sao cho có thể hạn chế tới mức thấp nhất mối nguy hiểm có thể xẩy ra do các tai nạn, kể cả việc thải bỏ, nổ hay cháy, hóa chất.

Rất nhiều các nguyên tắc và các vấn đề của hóa học xanh không chỉ là vấn đề của quốc gia hay khu vực mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Chúng không chỉ đơn thuần đóng khung trong phòng thí nghiệm hay các dự án nghiên cứu riêng lẻ mà liên quan đến các vấn đề lớn hơn nhiều như thay đổi khí hậu toàn cầu, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài nguyên nước. Nguyên nhân chính làm cho hóa học xanh được sự hưởng ứng và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới vì đây là con đường dẫn đến sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Anastas cho rằng “Hóa học xanh là một công cụ hữu hiệu vì nó bắt đầu ở qui mô phân tử nhưng lại cung cấp các sản phẩm và các quá trình thân thiện hơn với môi trường. Hóa học xanh không yêu cầu gì đặc biệt trừ một nền khoa học có chất lượng cao với một tầm nhìn lớn nhất và xa nhất có thể ”.

Một trong các vấn đề của hóa học xanh là làm thế nào để kết nối các nhà sinh học với các nhà hóa học và các nhà công nghệ. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu việc sử dụng động cơ sử dụng 100% metanol từ nguồn khí sinh học và sử dụng khí sinh học trong quá trình sản xuất giấy, vì enzym phân hủy xenluloza nhanh hơn quá trình xử lý bằng hóa học hay cơ học.

Môi trường phản ứng là một trong những lĩnh vực quan trọng có thể áp dụng hóa học xanh, đây chính là cơ sở của công nghệ hóa học sạch hơn. Thay vì sử dụng các loại dung môi hữu cơ, trong nhiều trường hợp người ta có thể sử dụng CO2 ở trạng thái siêu tới hạn (31,1oC, 73 atm), nước ở trạng thái siêu tới hạn (374oC, 218 atm) hay chất lỏng ở dạng ion tại nhiệt độ phòng, hệ hai pha, hệ thống không có dung môi sử dụng bề mặt bên trong của đất sét, zeolit, silic oxit và nhôm,…. Việc sử dụng dung môi siêu tới hạn cho phép thu hồi một cách dễ dàng sản phẩm cũng như tách xúc tác. Phân xưởng sản xuất CO2 siêu tới hạn công suất 1000 tấn/năm đã được đưa vào vận hành tại Consett, Anh. Theo một nghiên cứu được Hãng DuPont tài trợ thì một số phản ứng xẩy ra trong dung môi clofloetylen có thể tiến hành trong CO2 siêu tới hạn, thí dụ quá trình polyme hóa tetrafluoroetylen trong CO2 siêu tới hạn sử dụng chất khơi mào flo hóa. Ở Việt Nam, các nghiên cứu ban đầu về việc sử dụng CO2 siêu tới hạn để tách các loại tinh dầu quí đã được tiến hành tại Viện Hóa học Công nghiệp, Viện Dược liệu. Một thí dụ khác về sử dụng dung môi siêu tới hạn: nồi phản ứng liên tục dùng cho phản ứng oxy hóa một phần các hợp chất hữu cơ sử dụng xúc tác đồng thể trong nước siêu tới hạn.

Một phản ứng khác đang trong quá trình nghiên cứu là phản ứng oxy hóa p-xylen thành axit tereptalic, từ đó sản xuất polyetylen tereptalat và sợi polyeste. Theo phương pháp tổng hợp truyền thống thì axit tereptalic được tổng hợp từ p-xylen và không khí, sử dụng axit axetic làm dung môi và hệ xúc tác Mn/Co ở 190oC và áp suất 20 atm. Theo phương pháp tổng hợp này, axit tereptalic không hòa tan trong axit axetic, khoảng 10% axit axetic bị oxy hóa trong quá trình phản ứng. Trong khi đó ngược lại, nếu áp dụng phương pháp mới thì toàn bộ p-xylen, oxy, axit tereptalic hòa tan trong nước ở trạng thái siêu tới hạn. Nhóm các nhà công nghệ của Nottingham đã phát triển phương pháp sử dụng MnBr2 1.000 ppm làm chất xúc tác.

Chất lỏng ion hóa được nghiên cứu để có thể sử dụng rộng rãi cho các phản ứng và quá trình hóa học kể cả phản ứng hyđro hóa, phản ứng xúc tác sinh học và các phản ứng điện hóa. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng chất lỏng ion hóa cho quá trình tách các sản phẩm chế tạo qua con đường sinh học (lên men) như etanol, axeton hay butanol. đặc trưng của chất lỏng ion hóa thường được tạo thành từ cation hữu cơ chứa N hoặc P và các anion vô cơ. GS. Seddon của Trường đại học Belfast cho rằng có một số lượng không hạn chế các chất lỏng ion hóa tạo thành từ tổ hợp của các cation và anion khác nhau. GS. Seddon đã phối hợp với nhiều hãng hóa chất nhằm chuyển các kết quả nghiên cứu về chất lỏng ion hóa từ phòng thí nghiệm sang qui mô pilot. ông đã phối hợp với BP để sản xuất hỗn hợp isome hóa từ LAB trong dung dịch ion hóa. Mục tiêu của công việc này là tránh sử dụng dung môi hữu cơ và xúc tác H2SO4/AlCl3. Trong phản ứng alkyl hóa, chất lỏng ion hóa cho kết quả tốt hơn việc sử dụng xúc tác H2SO4/AlCl3, trong khi đó lại có thể tái sử dụng hoặc tái thu hồi. Công việc này đã cho những kết quả khả quan trong phòng thí nghiệm nhưng hiện chưa sử dụng được ở qui mô công nghiệp vì vấn đề giá cả.

Một thí dụ khác về hóa học xanh là phản ứng tổng hợp axit ađipic (nguyên liệu dùng để sản xuất nilon), theo phương pháp mới sẽ tránh được sử dụng nitơ oxit và sử dụng nước làm dung môi. Thay cho dung môi hữu cơ, Hãng Global Technologies đã sử dụng CO2 lỏng cho quá trình làm sạch.

Chính phủ Mỹ hiện đang tài trợ một nghiên cứu sử dụng quá trình làm sạch khô thay cho việc sử dụng pecloetylen vì chất này thường gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.

BASF đã phát triển công nghệ điện phân ở qui mô công nghiệp khi sử dụng anot “xanh ” để sản xuất alđehyt mạch vòng.

Hóa học xanh bảo vệ môi trường không chỉ thông qua các biện pháp làm sạch mà còn bằng cách phát minh, áp dụng các chất mới, các quá trình hóa học mới không gây ô nhiễm. Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Canađa đã thành công trong việc sử dụng enzym xylanaza cho công nghiệp giấy và bột giấy, nhằm giảm giá thành và lượng clo sử dụng tới 90%. Tại một vài nước, người ta đang nghiên cứu sử dụng túi chế tạo từ ngô thay cho túi polyme. Thay thế HNO3 bằng H2O2 sẽ tránh được quá trình tạo thành N2O.

Theo ý kiến của chúng tôi, một số những việc trước mắt có thể thực hiện để áp dụng hóa học xanh vào cuộc sống:

- Rất nhiều công nghệ thỏa mãn các nhu cầu của hóa học xanh đã và đang tồn tại, vì vậy phải tạo cơ hội để áp dụng chúng ngay, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Việc đưa hóa học xanh và các lĩnh vực có liên quan vào giảng dạy trong các trường đại học, các trường dạy nghề hóa chất sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên.

- Chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ở qui mô pilot của hóa học xanh do các viện, trrường tiến hành cho các doanh nghiệp tư nhân.

- Thành lập và mở rộng các trung tâm quốc gia về hóa học xanh. Các trung tâm này có trách nhiệm xây dựng và phát triển mạng hóa học xanh.

- Thành lập các quĩ và học bổng về hóa học xanh để dành cho các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất.

- Thành lập các giải thưởng về hóa học xanh.

- Tăng cường khuyến khích thực hiện hóa học xanh thông qua hình thức hỗ trợ chính sách, vốn đầu tư,….

- Thực hiện các hình thức thông tin tuyên truyền cho công chúng, doanh nghiệp, các tổ chức môi trường về lợi ích của áp dụng hóa học xanh.

Theo Vinachem

Tương lai thuộc về hóa học xanh

Một thế giới không hóa chất và không công nghiệp hóa học có lẽ sẽ đỡ bị ô nhiễm hơn, nhưng như thế cũng có nghĩa là một thế giới không thuốc men, không ô -tô, xe đạp (do thiếu xăng hoặc bánh xe…), không giấy cũng không mực, không vật liệu tổng hợp, tức là không điện thoại, không máy tính, cũng chẳng phim ảnh (vì không có nhựa…). Danh sách sẽ còn tiếp tục kéo dài. Vì vậy, đã từ khá lâu rồi, người ta nuôi tham vọng gìn giữ hoặc phát triển những yếu tố tích cực nhất của ngành hóa học trong khi tìm cách giảm dần hoặc loại bỏ những yếu tố “tiêu cực” của nó.

Theo phương hướng đó, vào cuối những năm chín mươi, nhà hóa học Mỹ Paul Anastas đã đề xuất 12 nguyên tắc chính của công nghiệp hóa học “xanh” green chemistry mà ngày nay được cả thế giới biết đến. Có thể tóm tắt các nguyên tắc đó trong việc hạn chế từ gốc việc gây ô nhiễm môi trường, sử dụng những phương pháp sản xuất ít nguy hiểm, tiết kiệm năng lượng, giảm sinh ra chất thải, tăng cường sử dụng những nguyên liệu có khả năng tái chế được, sản xuất ra những sản phẩm mới, có ít hoặc không có tính độc hại với năng suất và giá thành tương đương, có quy trình kiểm soát toàn bộ “vòng đời” của sản phẩm hóa học trước khi nó được đưa ra thị trường…

Để tưởng thưởng những xí nghiệp công nghiệp có những đổi mới theo hướng tích cực đó, nước Pháp mới đây đã lập ra giải thưởng mang tên Pierre -Potier (để kỷ niệm người đã phát minh ra loại thuốc Taxotère có tác dụng chống ung thư chế từ một loại cây thông có tên tiếng Pháp là “if” (cây if thường được trồng làm hàng ràoc, có thể cao tới 15 mét, trái nhỏ màu đỏ). Một trong số các xí nghiệp được trao giải thưởng đã sáng chế ra một loại nước sơn mới dùng để kẻ các tín hiệu trên các trục đường giao thông, là một hỗn hợp bao gồm chất thải của công nghiệp làm giấy, nhựa thông và dầu thực vật, thay thế cho loại sơn cũ vốn được chế từ nhựa dầu mỏ. Các xí nghiệp khác thì cho ra loại sơn nước không cần dung dịch hòa tan; quy trình tổng hợp nylon không chất thải; nhựa có khả năng tái chế được làm từ dầu hạt cây trẩu (ricin) dùng trong các ống dẫn khí đốt thiên nhiên…

Ngày nay, hóa xúc tác là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn, có tác dụng đẩy nhanh tốc độ của các phản ứng hóa học, kết quả là giảm được việc sinh ra những sản phẩm phụ không cần thiết hoặc giảm lượng chất thải độc hại, và nhờ vậy tiết kiệm được nguyên liệu và năng lượng… ở Pháp có khoảng 25 trung tâm nghiên cứu thí nghiệm chuyên về chất xúc tác. Một cực nghiên cứu nữa là việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hoặc sinh khối (biomasse) vào những ứng dụng không phải là thực phẩm. Trong lĩnh vực này, Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA) đã cho ra đời nhiều sản phẩm “xanh” như hoạt chất tẩy rửa làm từ cây cải hạt dầu (colza), màu thực phẩm làm từ trái táo, nhựa làm từ tinh bột các loại ngũ cốc (bioplastique)…

Một số lĩnh vực hóa học nữa cũng đang phát triển mạnh mẽ là công nghệ nano, động cơ siêu nhỏ (micro-réacteur), hóa phân tích và ngành écotoxicologie (nghiên cứu các yếu tố độc hại đối với môi trường). Theo dự báo, trong 10 năm tới, hóa học xanh sẽ chiếm tới 30% sản lượng công nghiệp hóa chất của nước Pháp, so với 10% hiện nay…

Theo Kinh tế nông thôn

Hoá học xanh: tương lai phát triển của công nghiệp hoá chất

Không phải ngẫu nhiên mà Giải Nobel Hoá học năm 2005 được trao cho 3 nhà khoa học Robert H. Grubbs và Richard R. Schrock đến từ Mỹ, cùng Yves Chauvin đến từ Pháp, nhờ việc tìm ra cách làm giảm chất thải độc hại khi tạo ra các hoá chất mới, giảm thiểu chất thải độc hại bằng một quá trình sản xuất thông minh hơn. Họ đã phát triển ra phương pháp hoán vị trong quá trình tạo ra các phân tử hữu cơ mới. Phương pháp này có tiềm năng thương mại rất lớn trong ngành công nghiệp dược phẩm, sinh kỹ học và thực phẩm. Nó cũng được sử dụng để phát triển polyme cải tiến. Phương pháp này cho phép các nhà khoa học thay đổi các nhóm nguyên tử trong phân tử để tạo ra hoá chất mới. Hội đồng trao Giải Nobel Hoá học cho biết rằng công trình của các nhà nghiên cứu trên đại diện cho một bước tiến lớn hướng tới “Hoá học xanh” (Green Chemistry).


Trong vòng một thập niên trở lại đây ở các quốc gia hậu công nghiệp, vấn đề giải quyết và phòng ngừa ô nhiễm cũng như bảo vệ môi trường ngày càng chiếm vai trò quan trọng hơn trong tiến trình phát triển. Một bằng chứng là sự ra đời và tăng trưởng tại các quốc gia Âu – Mỹ của phong trào Hóa học xanh, hiện được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các vấn nạn môi trường.
Hàng năm có rất nhiều Hội nghị ở cấp quốc gia và quốc tế về vấn đề trên, nhất là ở các đại hôi của Hội Hóa học Mỹ (American Chemical Society – ACS). Nhiều tạp chí khoa học khác đếu có những ấn bản đặc biệt liên quan đến Hóa học xanh như Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Hạch toán Hóa học (Scientific Research & Accounts of Chemical). Riêng tại Anh, Hội Hoá học Hoàng gia đã phát hành từ 4 năm qua Tạp chí Hóa học xanh.
Một số viện, trường đại học trên thế giới cũng đã thành lập phân khoa riêng cho môn Hóa học xanh này. Viện Hóa học xanh thuộc Hội Hóa học Mỹ đã đóng góp rất nhiều khóa huấn luyện cho sinh viên và các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới. Và công nghệ Hóa học xanh đã ra đời cũng như đã được xem như là một công nghệ chiến lược cho phát triển bền vững toàn cầu. Hiện tại, trên thế giới đã có nhiều Viện hay Trung tâm nghiên cứu đã được thành hình ở Anh Quốc, Ý, Nhật Bổn, Mỹ và Ôxtrâylia. Có thể nói hầu hết các nhà hóa học trên thế giới đều được biết qua thông tin về Hóa học xanh ngày nay.
Hóa học xanh còn được gọi là Hóa học bền vững đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA) đề xướng lần đầu tiên với mục đích để phòng ngừa ô nhiễm nhằm truy tìm những biện pháp giải quyết, sáng kiến kỹ thuật tối ưu hơn là đặt trọng tâm vào việc quản lý và xử lý các chất thải rắn, lỏng, và khí từ ngành công nghiệp.
Trên 12 nguyên tắc căn bản để thực hiện công nghệ hóa học bền vững, công nghệ sinh học (CNSH) và công nghệ nano là hai công nghệ được áp dụng nhiều nhất trong các quy trình sản xuất và chế biến hóa chất. Điểm đặc sắc của hai công nghệ này là làm cho môi trường rất ít hay không bị ô nhiễm. Vấn đề cấp bách được đặt ra là làm thế nào để cho tất cả các quốc gia trên thế giới được cập nhật thông tin và áp dụng những công nghê mới khám phá sau này. Nếu không cuộc cách mạng xanh chỉ có thể xảy ra ở những quốc gia hậu công nghiệp và vấn nạn ô nhiểm toàn cầu vẫn chưa được giải quyết đúng đắn.
vậy các quốc gia trên thế giới và những đại công ty liên quốc gia đã nhìn vấn đề này như thế nào và họ có buộc phải áp dụng những công nghệ mới không? Trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững tại Johannesburg năm 2002, GS Jurgen Metzger thuộc Đại học Oldenburg (Đức) có nêu lên những tiến bộ của thế giới trong việc ứng dụng Nghị trình 21 vào các quốc gia như việc xử dụng hóa chất an toàn cũng như lưu tâm nhiều đến sức khỏe của con người và môi trường. Đây chính là một đóng góp lớn của các công ty sản xuất hóa chất trên thế giới. Công ty Dow Chemical (Mỹ) là một công ty sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới đã giảm được sự thải hồi thán khí (CO2) trong các quy trình sản xuất từ 28,1 triệu tấn cho năm 1994 xuống còn 26,1 triệu tấn năm 2002.
Sau cùng GS Metzger đã đề nghị Sáng kiến cho cảnh 2020 với một mục tiêu rõ ràng là giảm thiểu 30% năng lượng so với năm 2002 trong các công nghệ sản xuất hóa chất toàn cầu. Và ông cũng đã tiên liệu sẽ có 25% hóa chất hữu cơ sẽ được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tái sinh. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một nghi vấn là sẽ rất khó để cho toàn thế giới áp dụng các kỹ năng mới này cũng như “sự ù lì” của một số đại công ty vẫn còn muốn đi theo lề lối cũ trong công nghệ như xử dụng nguồn hóa dầu để sản xuất ra sản phẩm hóa học khác hơn là áp dụng nguồn nguyên liệu tái sinh…
Về một số kết quả thực tiển và cụ thể cho việc áp dụng hóa học xanh trong phát triển. Một trong những việc làm đáng ca ngợi của công ty Cargill Dow thuộc nhóm Nature Works là đã thành công trong việc sản xuất chất dẽo (plastic) từ trái bắp. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng xanh lớn nhất vào đầu thế kỷ 21 này. Polylactic acid hay PLA là một loại chất dẽo thực vật có được từ việc tổng hợp đường dextrose trong trái bắp. Phát minh này đã được giải thưởng Presidential Green Chemistry Challenge năm 2002. Loại plastic “bắp” này có thể áp dụng trong các kỹ nghệ như quần áo, khăn, thảm, bao bì cho thực phẩm và nhiều ứng dụng khác trong nông nghiệp. Cũng theo Cargill Dow thì việc sản xuất chất dẽo trong điều kiện trên sẽ giảm thiểu được 20 đến 50% năng lượng sử dụng so với việc sản xuất theo quy trình chất dẽo hiện tại. Công ty này hiện ở Blair, Nebraska đã bắt đầu sản xuất 140.000 tấn /năm từ năm 2002 và tăng lên 500.000 tấn năm 2006.
EPA Mỹ đã tổng kết tất cả các thành quả của Hóa học xanh tại nước này từ năm 1996 đến 2002, là trung bình hàng năm, Mỹ đã:
- Loại bỏ 800.000 tấn hóa chất trong đó có Chlorofluorocarbon (CFC) (Chất làm vỡ tầng ozone của bầu khí quyển), hợp chất hữu cơ nhẹ, độc hại và không bị thoái hóa;
- Giảm 650 triệu gallon dung môi hữu cơ;
- Giảm 138 tỷ gallon nước dùng trong việc sản xuất các kỹ nghệ dệt, phim ảnh, chất bán dẫn;
- Giảm được 90.000 tỷ đơn vị năng lượng tiêu thụ và 430.000 tấn CO2 thải hồi vào không khí;
- Giải quyết được 19 triệu tấn phế thải độc hại đã được xử lý hay tái sinh.
Ngoài sự “ù lì” của các công ty trong công cuộc chuyển đổi, còn có vấn đề nào khác mà các đại công ty không muốn tiến nhanh vào việc áp dụng hóa học xanh hay không? Đứng trên căn bản lợi nhuận, việc chuyển đổi các quy trình cổ điển qua quy trình sạch thích hợp với tiến trình toàn cầu hóa là một việc không dễ dàng. Vì thế, tích cách “bảo thủ trong sản xuất” là một trong những cản ngại căn bản cho việc chuyển đổi này. Lấy một thí dụ trong công nghệ dược phẩm. Theo ước tính, nếu một công ty sử dụng công nghệ này đã nghiên cứu thành công dây chuyền sản xuất sạch, thì trong giai đoạn chuyển tiếp, công ty có thể bị gián đoạn hay giảm 50% sản xuất; từ đó việc mất mức lợi nhuận sẽ phải là những con số đáng kễ mà khó có công ty nào chấp nhận hy sinh được. Do đó, để giảm bớt tính bảo thủ trên, các công ty, ngoài việc nghiên cứu quy trình sạch cần phải thực hiện song hành với việc nghiên cứu tài chính và thị trường trong công cuộc chuyển đổi nấy.
Theo đánh giá của Viện Tài nguyên Thế giới, chỉ 10% lượng nguyên liệu khai thác từ Trái đất được chuyển hoá thành sản phẩm công nghiệp, phần còn lại (90%) bị mất đi ở dạng phế thải. Trong khi đó, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, nếu tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác đạt đến gần mức sống của Phương Tây thì thế giới sẽ cần tài nguyên tương đương nguồn tài nguyên của 3 Trái đất mà hiện nay chúng ta đang sống.
Mục đích của công nghiệp hoá chất là chuyển hoá các nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội và nâng cao đời sống cho con người. Trong đó, ngành hoá dược có nhiệm vụ phát hiện và phát triển những loại thuốc mới để tạo điều kiện cho con người sống lâu hơn, khoẻ mạnh hơn và có khả năng lao động với năng suất cao hơn. Nhưng để đạt được những mục tiêu này một cách bền vững thì chúng ta cũng cần phải có môi trường sống lành mạnh, không gây ô nhiễm và bệnh tật.
Ngày càng nhiều công ty sản xuất hoá chất đã nhận thức tầm quan trọng của hoá học xanh đối với sự phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hoá học xanh-đó là việc áp dụng những nguyên lý sản xuất thân môi trường, sử dụng tối ưu các tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu hoặc loại bỏ phát sinh và sử dụng những chất nguy hiểm, độc hại trong thiết kế, sản xuất ứng dụng các sản phẩm hoá chất. Trong số những nguyên lý này thì một trong những nguyên lý đầu tiên là: Ngăn ngừa sự hình thành phế thải sẽ tốt hơn là xử lý hoặc loại bỏ phế thải sau khi nó đã được tạo ra.
Một số nghiên cứu đã cho thấy, trong công nghiệp hoá chất thì ngành sản xuất hoá dược là ngành tạo ra nhiều phế thải nhất tính theo khối lượng sản phẩm: khoảng 25-100 kg phế thải (hoặc nhiều hơn) đối với mỗi kg thành phần hoạt tính dược phẩm được sản xuất ra. Trong khi đó, ngành hoá dầu chỉ tạo ra 0,1 kg phế thải trên mỗi kg sản phẩm được sản xuất ra. Có một số lý do biện minh cho tỷ lệ phế thải lớn trong sản xuất dược phẩm: cấu trúc của các phân tử hoạt tính dược phẩm phức tạp hơn nhiều so với các sản phẩm hoá chất thông thường, quy trình tổng hợp dài hơn và những yêu cầu về an toàn đòi hỏi độ tinh khiết rất cao. Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm hoạt tính dược phẩm được sản xuất theo mẻ, khác với các quy trình sản xuất liên tục ở các lĩnh vực hoá chất khác. Mặt khác, lượng thuốc được lưu hành thương mại trên thế giới tương đối thấp, sản lượng mỗi sản phẩm dược phẩm chỉ đạt khỏang 1000 đến 1 triệu kg/năm, thấp hơn nhiều so với sản lượng hoá chất cơ bản, những chất đang được sản xuất với quy mô nhiều triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, nếu áp dụng các nguyên lý của hoá học xanh để thiết kế lại các quy trình sản xuất hiện nay và thiết kế những quy trình sản xuất mới thì ngành sản xuất hoá chất nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng đều có thể giảm đáng kể tỷ lệ phế thải, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế chung trong sản xuất .
Theo kết quả điều tra năm 2003 của tổ chức quốc tế IMS Health, doanh số hàng năm của ngành sản xuất dược phẩm đạt 500 tỷ USD. Từ số liệu này có thể tính ra lượng phế thải hàng năm mà ngành dược phẩm tạo ra là từ khoảng 500 triệu đến 2 tỷ kg. Nếu tính chi phí trung bình để loại bỏ phế thải là khoảng 1 USD/kg, tổng chi phí loại bỏ phế thải dược phẩm sẽ lên đến hàng tỷ USD. Như vậy, xét về mặt kinh tế, tiềm năng tiết kiệm chi phí bằng cách ngăn ngừa phế thải là rất lớn. Nhìn rộng ra, điều này có thể được áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực của công nghiệp hoá chất.
Để đáp ứng yêu cầu và xu hướng của thời kỳ mới, nhiều hội nghị khoa học quốc tế đã được tổ chức, đề cập đến những thách thức cơ bản đối với sự phát triển bền vững của công nghiệp hoá chất. Trong đó, người ta đã xác định những vấn đề cơ bản là: giáo dục và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tạo điều kiện phát triển những công nghệ có khả năng thúc đẩy sự áp dụng Hoá học xanh và các công nghệ thân môi trường, phát triển những quy trình hoá học mới, có khả năng sử dụng các nguyên liệu thay thế với giá thành thấp, thay cho các nguyên liệu hoá thạch đang cạn kiệt, đồng thời tiếp tục giảm định mức tiêu hao nguyên liệu và năng lượng trong sản xuất hoá chất công nghiệp.
Khi chúng ta bước vào thế kỷ 21, ngành sản xuất hoá chất công nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn khiến nó không thể tiếp tục đi theo con đường phát triển như đã trải qua trong các thế kỷ trước. Những thách thức đó là: các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt một cách nhanh chóng, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng với nhiều hoá chất độc hại tồn tại dai dẳng trong môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới, sự nổi lên của những trung tâm hoá chất công nghiệp lớn và đang phát triển nhanh tại Ấn Độ và Trung Quốc…
Đứng trước những thách thức này, Hoá học xanh sẽ là một hướng đổi mới quan trọng để giúp các ngành sản xuất hoá chất công nghiệp phát triển tiếp trong thế kỷ 21 mà không gặp lại những sai lầm của quá khứ. Trên thực tế, việc áp dụng những nguyên lý thân môi trường của Hoá học xanh đã và đang góp phần giúp công nghiệp hoá chất đi theo hướng phát triển bền vững, mang lại những lợi ích tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội cho nhân loại.
Mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại trong việc chuyển đổi các quy trình sản xuất hóa chất cổ điển ra quy trình sạch, điều không thể phủ nhận là Hóa học xanh hiện nay vẫn là một biện pháp phòng ngừa ô nhiễm hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nhận thức trên vẫn còn nhiều nghi vấn khó mang đến sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Câu hỏi được đặt ra là liệu các nguyên liệu đến từ việc chuyển hóa sinh học, hay tái sinh có thể hoàn toàn thay thế được nguyên liệu dầu hỏa hay không? Các nguồn khí thải có thể được thu hồi và chuyển đổi thành hóa chất khác hay không? Liệu khinh khí (hydrogen) sẽ là một nguồn năng lượng chính trong tương lai? Liệu các hóa chất xử dụng trong nông nghiệp và dược phẩm sẽ là những hóa chất có thể dễ bị sinh hủy (bio-degradable) và không còn ảnh hưởng lên môi trường?
Nhiều nhà môi trường bi quan đã nghi ngờ sự thành công của khái niệm về Hóa học xanh và từ đó quy kết là sự phát triển bền vững đúng nghĩa không thể nào thực hiện được và chỉ là mộng tưởng mà thôi. Ngược lại, những người lạc quan tin tưởng rằng tiến trình phát triển bền vững là một hướng đi, chứ không phải là mục tiêu để đến đích. Hóa học xanh là một cẩm nang căn bản đưa đến việc làm sạch và bão vệ môi trường.
Nguồn: CNHC/MOI

Thì, dạng, và số chữ cho một động từ

1. Thì (tense)

Một trong những sai lầm tôi hay phát hiện khi duyệt các bài báo khoa học là cách sử dụng thì trong bài báo. Chẳng riêng gì từ các tác giả Á châu mà ngay cả các tác giả Âu Mĩ cũng vấp phải sai lầm này. Sau đây là một số qui định (thật ra, chính xác là qui ước) về cách sử dụng thì trong một bài báo khoa học.

Nếu mô tả phương pháp và kết quả nghiên cứu của công trình đang báo cáo, dùng thì quá khứ (past tense):

We found that one third of the rats survived, one thrid died, and the third rat got away.

Nếu đề cập đến một công trình đã công bố trước đó trên một tập san nào đó, sử dụng thì hiện tại (present tense):

In their groundbreaking work, Smith et al report a 33% survival rate in the test population.

2. Active hay passive voice

Xin nhắc lại: một câu văn như We found that gọi là active voice (dạng chủ động), còn it was found that thì được gọi là passive voice (dạng thụ động). Câu hỏi đặt ra là trong bài báo khoa học, chúng ta nên sử dụng dạng nào? Đây là một vấn đề mà cho đến nay, theo tôi biết, vẫn chưa ngã ngũ.

Khoảng 20 năm trước, khi tôi và đồng nghiệp nộp một bài báo quan trọng cho British Medical Journal tổng biên tập và 3 chuyên gia bình duyệt lúc đó đồng loạt phê bình tôi vì tôi sử dụng dạng chủ động. Họ yêu cầu tôi phải sửa lạt tất cả từ dạng chủ động sang dạng thụ động. Sửa xong, nộp lại và qua lần bình duyệt thứ hai, họ từ chối công bố! Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây cũng chính tập san này (và Lancet nữa) lại khuyến khích sử dụng dạng chủ động.

Qua theo dõi các tập san y khoa trong thời gian gần đây, tôi có thể nói rằng càng ngày càng có nhiều bài báo mà trong đó tác giả sử dụng dạng chủ động. Như vậy, xu hướng chủ động này đang dần dần trở thành một qui ước chuẩn. Xin lấy vài ví dụ:

The Lancet 2004;363:112-118

“We followed up children once a day for diarrhoea and a month for anthropometry …”

New England Journal of Medicine 2004;350:114-124

“We enrolled 518 patients with polycythemia vera …”

British Medical Journal 2001; 323:382-386

“I searched the Cochrane Library, Medline, and Embase to identify studies of common pathological finding in ….”

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mà theo tôi sử dụng dạng thụ động là cách “lịch sự” nhất. Chẳng hạn như khi chúng ta thực hiện một việc gì đó kém quan trọng hơn là người tiếp thu công việc đó. Ví dụ:

The patient was injected with the test drug

đọc chắc chắn dễ chịu hơn là

We injected the test drug into the patient

Hay trong trường hợp một việc làm mà người làm có thể không quan trọng mấy:

The patients were randomized into two groups by a computer program

Trong trường hợp này, ai làm ngẫu nhiên hóa cũng được, chứ chẳng cần “I” hay “We”.

3. Số chữ cho mỗi động từ

Động từ là một từ hành động trong một câu văn. Do đó, các chuyên gia tiếng Anh cho biết có thể đếm mật độ chữ trên mỗi động từ để biết một câu văn yếu hay mạnh. Nếu câu văn có 20 chữ trên mỗi động từ thì câu văn đó được xem là yếu. Ví dụ:

The use of an excessive number of words in conjunction with a single verb makes for a weak sentence, deficient in strong words, often complex in structure, and very likely complicated by a number of subordinate clauses. (37 từ!)

4. Cố gắng làm phong phú câu văn

Chúng ta thử đọc câu văn sau đây:

The elderly patient fell on a scatter rug at home. The patient struck his shoulder when he landed. The patient sustained a fracture of left humerus.

Ba câu văn bắt đầu bằng một chữ lặp đi lặp lại 3 lần: patient. Ba câu văn rất đơn giản, ngắn, và có thể nói là khá nhàm. Cách viết này cho thấy tác giả không có kinh nghiệm viết văn.

Do đó, để làm cho câu văn sống động, nên cố gắng sử dụng biến thể, và tránh lặp lại một từ nhiều lần. Câu văn trên có thể sửa lại như sau:

The elderly patient fell on a scatter rug at home, striking his shoulder and sustaining a fracture of the left humerus.

NVT

Paragraph

Không nói ra thì ai cũng biết paragraph là một đoạn văn, và một đoạn văn bao gồm nhiều câu văn (sentence). Nói cụ thể hơn, một paragraph có thể xem là một tiểu luận nhỏ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tuân theo những qui luật cơ bản trong cách viết một tiểu luận (essay). Những qui luật cơ bản đó là: cung cấp cho người đọc biết điểm gì chúng ta muốn phát biểu trong phần đầu của paragraph, phát triển chủ đề bằng cách sử dụng ví dụ cụ thể, rồi sau đó là kết luận một cách có suy nghĩ.

Câu văn đầu tiên của một paragraph phải là câu văn “thông báo” đề tài chúng ta muốn cung cấp cho người đọc. Chính vì thế mà câu văn đầu thường phải viết chung chung, không mang tính cụ thể. Chúng ta thử xem một đoạn văn sau đây của Samuel P. Huntington (một nhà khoa học chính trị nổi tiếng, và đối với tôi ông cũng là một cây bút tuyệt vời):

The United States is becoming increasingly diverse ethnically and racially.The Census Bureau estimates that by 2050 the American population will be 23 percent Hispanic, 16 percent black and 10 percent Asian-American. In the past the United States has successfully absorbed millions of immigrants from scores of countries because they adapted to the prevailing European culture and enthusiastically embraced the American Creed of liberty, equality, individualism, democracy. Will this pattern continue to prevail as 50 percent of the population becomes Hispanic or nonwhite? Will the new immigrants be assimilated into the hitherto dominant European culture of the United States? If they are not, if the United States becomes truly multicultural and pervaded with an internal clash of civilizations, will it survive as a liberal democracy? The political identity of the United States is rooted in the principles articulated in its founding documents. Will the de-Westernization of the United States, if it occurs, also mean its de-Americanization? If it does and Americans cease to adhere to their liberal democratic and European-rooted political ideology, the United States as we have known it will cease to exist and will follow the other ideologically defined superpower onto the ash heap of history.

Câu đầu tiên (The United States is becoming increasingly diverse ethnically and racially) cho chúng ta biết chủ đề của đoạn văn nói về sự đa dạng sắc tộc trong xã hội Mĩ. Những đoạn sau đó, ông trình bày dữ liệu để làm cơ sở cho nhận xét của mình. Câu cuối cùng trong đoạn văn nói về ý nghĩa của vấn đề đa sắc tộc và cảnh báo rằng Mĩ đứng trước nguy cơ mất identity vì tình trạng này.

Nhưng thỉnh thoảng, nhất là trong khoa học, chúng ta cũng không nhất thiết phải tuân thủ theo qui luật trên. Có khi chúng ta trình bày ví dụ trước (để thu hút chú ý của người đọc) và tiếp theo sau là một hay vài câu văn giải thích ý nghĩa của ví dụ đó. Đoạn văn ngắn sau đây là một ví dụ:

Đầu tiên, gây chú ý cho độc giả:

Since H2-blockers became available over the counter (OTC) in drug stores, physicians have reported that some public assistance patients have ceased their use of these medications and are experiencing recurrences of epigastric distress.

Sau đó là vài câu văn chung chung về ý nghĩa của câu văn trên:

Sometimes, regulations that are intended to make drugs more available to patients have a paradoxical effect of reducing their use. [đoạn văn này sau đó giải thích tại sao] Because welfare patients could previously get the H2-blocker drugs at no personal cost by prescription, but now that the drugs are available OTC, they are no longer eligible for prescription and patients must pay for the medication.

Viết bài báo khoa học cũng giống như viết tiểu thuyết trinh thám, hiểu theo nghĩa phải hấp dẫn người đọc ngay từ đầu, và làm cho người đọc không buông được câu chuyện. Tôi thường hay nói với nghiên cứu sinh là phải cố gắng viết bài báo sao cho hay, hay đến nỗi nếu tổng biên tập một tập san nào từ chối không đăng thì ông/bà đó cũng cảm thấy hối hận, nuối tiếc. :-) Do đó, cấu trúc một đoạn văn rất ư quan trọng, vì những câu văn trong đó dìu dắt và cung cấp người đọc những tình (chi) tiết cụ thể và thuyết phục. Xin nhắc lại tầm quan trọng của một đoạn văn: nó là một tiểu luận nhỏ.

NVT

Cách dùng từ

Một bài báo khoa học dễ hiểu là bài được viết bằng những từ ngữ đơn giản, và cách sử dụng từ ngữ một cách … kinh tế. Viết đơn giản có lẽ là một lời khuyên phổ biến, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều sinh viên khi mới vào nghề thường sử dụng những từ cầu kì, và hệ quả là câu văn trở nên khó hiểu. Nên nhớ rằng mục tiêu của chúng ta – tác giả bài báo khoa học – là muốn công trình của mình đến với nhiều đồng nghiệp quốc tế, những người có thể chưa thạo tiếng Anh. Do đó, sử dụng những từ ngữ đơn giản và viết súc tích là một kĩ năng rất quan trọng.



1. Tránh những từ kém thông tin và rườm rà. Những nhóm từ rườm rà là những nhóm từ có 2 hay nhiều từ có cùng ý nghĩa hay nói lên một ý. Chẳng hạn như brief in duration có thể viết đơn giản hơn là brief. Tương tự, sufficient in number có thể chỉ đơn giản là sufficient. Câu the wound was of a serious in nature có thể viết gọn là the wound was of a serious, hay the solution was red in color có thể đơn giản hóa thành the solution was red (vì red là màu). Một lỗi tôi thường hay thấy là cách viết we repeated the experiment again, trong đó repeated và again nói cùng ý; do đó, có thể viết đơn giản hơn là we repeated the experiment.

Bài tập: Bây giờ các bạn thử viết lại những nhóm từ sau đây đơn giản hơn, bằng cách bỏ những từ không cần thiết hay những từ thừa.

• We carefully investigated
• The past history of this concept …
• They mixed together
• Twenty human volunteers were recruited
• The original source for this work was …
• Advance planning
• Globular in shape
• This x-ray film is more preferable than
• It seems to appear
• For a period of several minutes, the animals had been in a stressful condition
• The role of cobra toxin is still a matter for speculation
• The work will be completed in the not-too-distant future
• The reaction rate was examined and found to vary considerably
• The results would seem to indicate the possibility that impurities might be present
• As a result of these experiments it became quite evident that overheating of the samples had occurred
• As far as my own experiments are concerned, they show …
• It has been found that …
• It is interesting to note that …
• Needless to say …


2. Đơn giản một nhóm từ bằng một từ

Có nhiều phát biểu mà trong thực tế có thể chỉ cần 1 từ là đủ, hay thậm chí không cần thiết. Chẳng hạn như at this point in time có thể viết đơn giản hơn là now. Hay như the reason was because cũng có thể chỉ viết because là đủ.

Bạn thử viết lại những cụm từ sau đây đơn giản hơn:

• In view of the fact that
• Was observed to be
• In the near future
• In most cases
• It would appear that
• Is suggestive of
• As to whether
• In the vincinity of
• It was evident that
• In the event that

3. Tránh những từ “đao tao búa lớn”. Tiếng Anh gọi những từ to lớn là grandiloquence, hàm ý nói những từ hoa mĩ, tráng lệ, mà hình như người viết muốn gây ấn tượng cho người đọc. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn Gettysburg ngắn gọn làm nãn lòng nhiều người lúc đó, nhưng đến nay ai cũng công nhận đó là một trong những bài diễn văn hay nhất và có hiệu quả nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Trong khoa học cũng vậy, chúng ta cần phải tránh những từ hoa mĩ, và chọn những từ đơn giản, dễ hiểu để thông tin trong bài báo có thể chuyển tải đến nhiều đồng nghiệp.

Các bạn thử viết lại những câu sau đây đơn giản hơn:

• Computations were conducted on the data

• It may seem reasonable to suggest that the necrotic effect may possibly be due to toxin

• In studies pertaining to identification of phenolic derivatives, drying of the paper gives less satisfactory visualization

• A method, which was found to be expedient and not very difficult to accomplish and which possessed a high degree of accuracy on its results, was devised whereby …

4. Tránh sáo ngữ (cliché) và uyển ngữ (euphemism), vì những từ ngữ này có khi rất khó hiểu. Chẳng hạn như all in all thì hoàn toàn không cần thiết, còn if and when thì có thể thay thế bằng if.

Một số sáo ngữ trong y khoa tôi thường thấy là the patient expired, the patient passed away, the patient succumbed, the patient breathed his last, the patient has gone to his rest, v.v… có thể chỉ đơn giản viết là the patient died. Ai cũng hiểu die là gì, nhưng ít ai hiểu succumbed hay gone to his rest.

Các bạn thử viết lại những cụm từ hay câu văn sau đây:

• Unless and until
• It goes without saying
• Within the realm of possibility
• We sacrificed the animal
• We performed euthanasia on the animal

Tôi sẽ cung cấp câu trả lời hay gợi ý trả lời sau.

NVT

Đạo văn, diễn giải, tóm lược và trích dẫn

Hôm trước tôi có đưa tin về một trường hợp đạo văn của một giáo sư người Nam Dương. Đọc kĩ bài báo của ông giáo sư này và bài báo gốc (dài hơn nhiều) của tác giả người Úc, tôi thấy hình như lỗi chính của ông giáo sư là thiếu ghi nguồn và cách diễn giải chưa đạt chuẩn làm cho phạm lỗi đạo văn. Thật ra, đối với nhiều người Việt Nam (và Á châu nói chung), kể cả học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và thậm chí giáo sư, tôi thấy người ta khó phân biệt giữa đạo văn (plagiarism), diễn giải (paraphrase), tóm lược (summary), và có khi cả trích dẫn (quotation). Do đó, cần phải xác định lại 4 hình thức này:

1. Trích dẫn, như chúng ta biết, có nghĩa đơn giản là lấy nguyên văn của tác giả khác nhưng phải để trong ngoặc “ “ và phải ghi nhận nguồn. Một ví dụ trích dẫn là:

A WHO Expert Consultation states that “[…] overweight (≥ 25 kg/m2) corresponded to 31-39% (mean 35%) body fat in females and 18-27% (mean 22%) body fat in males. If these criteria for the percentage body fat for overweight and obesity are applied to the Asian populations, the corresponding BMIs can be calculcated with countru-specific equations” (WHO Expert Consutation, 2004).

Ở đây, chúng ta thấy tác giả để nguyên câu văn của WHO trong ngoặc kép, và khi đóng ngoặc kép thì ghi nguồn của đoạn văn.

Trong những bài báo khoa học, ít khi nào người ta trích dẫn, vì nó gây một cảm giác không mấy thoải mái. Trích dẫn nguyên văn có khi được xem là một hành động lười biếng, hay là một cách tỏ thái độ khiêu khích, mỉa mai. Nhưng tôi thấy trong các bài báo khoa học xã hội và nhân văn, các tác giả có xu hướng trích dẫn rất nhiều, có lẽ do “văn hóa” làm việc của họ. Mặc dù không có qui ước nào vế lượng trích dẫn bao nhiêu là thích hợp, nhưng hình như ai cũng đồng ý rằng một bài báo mà lượng trích dẫn hơn 10% được xem là quá mức.

2. Tóm lược là hình thức diễn tả lại ý tưởng chính của đoạn văn gốc bằng một đoạn văn rất cô đọng và rất chung chung, mà không hẳn dùng lại những chữ của tác giả gốc. Thông thường một đoạn văn tóm lược chỉ có 3 đến 7 câu văn.

Tóm lược cũng là một nghệ thuật, và có khi đòi hỏi người viết phải có một nội lực khá về ngữ vựng. Sau đây là vài chỉ dẫn để làm một tóm lược tốt. Trước hết là đọc bài báo. Kế đến là đọc lại bài báo, đánh dấu (gạch dòng) những ý tưởng quan trọng, dùng dấu hình tròn để đánh dầu những từ ngữ hay thuật ngữ quan trọng, và tìm điểm chính của bài báo. Chia bài báo làm nhiều đoạn về ý tưởng và viết một câu văn tóm lược cho từng đoạn. Kế tiếp là viết một đoạn văn tóm lược. Nên nhớ rằng trong đoạn văn tóm lược, tác giả có thể

Ví dụ như đoạn văn sau đây:

Students frequently overuse direct quotation in taking notes, and as a result they overuse quotations in the final [research] paper. Probably only about 10% of your final manuscript should appear as directly quoted matter. Therefore, you should strive to limit the amount of exact transcribing of source materials while taking notes. Lester, James D. Writing Research Papers. 2nd ed. (1976): 46-47.

có thể tóm lược như đoạn dưới đây:

Students should take just a few notes in direct quotation from sources to help minimize the amount of quoted material in a research paper (Lester 46-47).

Ở đây, tác giả vẫn giữ ý chính của đoạn văn gốc và có ghi nguồn, nhưng câu chữ đã được lám ngắn gọn lại, bỏ bớt những chi tiết như 10%. Đây là cách tóm lược hợp lí, không phải đạo văn.

3. Đạo văn: Hội giáo sư đại học Mĩ (American Association of University Professors) định nghĩa đạo văn (plagiarism) là lấy ý tưởng, phương pháp, hay chữ của người khác làm của mình, mà không ghi nhận nguồn gốc và tác giả (nguyên văn: "taking over the ideas, methods, or written words of another, without acknowledgment and with the intention that they be taken as the work of the deceiver.") Đạo văn là một “tội phạm” trong khoa học, một lỗi không thể chấp nhận được. Đã có rất nhiều trường hợp mà những nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh, v.v… bị tiêu tan sự nghiệp chỉ vì đạo văn.

Đạo văn thường xuất hiện dưới nhiều hình thức, chứ không phải chỉ trong bài báo khoa học hay sách vở. Chẳng hạn như một bác sĩ trình bày báo cáo hay bài giảng bằng powerpoint ở một hội nghị, seminar, symposium, v.v… có sử dụng ý tưởng, số liệu, hình ảnh, câu văn của người khác mà không ghi rõ nguồn thì vẫn có thể xem là một hình thức đạo văn.

Đây là một đoạn văn trong cuốn Lizzie Borden: A Case Book of Family and Crime in the 1890s của Joyce Williams và đồng tác giả (trang 1):

The rise of industry, the growth of cities, and the expansion of the population were the three great developments of late nineteenth century American history. As new, larger, steam-powered factories became a feature of the American landscape in the East, they transformed farm hands into industrial laborers, and provided jobs for a rising tide of immigrants. With industry came urbanization the growth of large cities (like Fall River, Massachusetts, where the Bordens lived) which became the centers of production as well as of commerce and trade.

và thử đọc đoạn văn sau đây:

The increase of industry, the growth of cities, and the explosion of the population were three large factors of nineteenth century America. As steam-driven companies became more visible in the eastern part of the country, they changed farm hands into factory workers and provided jobs for the large wave of immigrants. With industry came the growth of large cities like Fall River where the Bordens lived which turned into centers of commerce and trade as well as production.

Đoạn văn này được xem là đạo văn. Tại sao? Lí do thứ nhất là tác giả chỉ thay đổi vài chữ và vài câu, thay đổi thứ tự của đoạn văn gốc. Lí do thứ hai là tác giả không ghi nguồn gốc của ý tưởng.

Để tránh đạo văn, cần phải đề rõ nguồn của ý tưởng, dữ liệu của người khác trong bài báo khoa học của mình. Một cách tránh đạo văn là học cách tóm lược (như trình bày trên) và diễn giải (paraphrase sẽ trình bày dưới đây).

4. Diễn giải: Theo cách hiểu chung thì diễn giải có nghĩa là một cách viết lại đoạn văn gốc của người khác với chữ của chính mình (nhưng ý tưởng thì vẫn mượn từ tác giả khác) và nhất định phải ghi nguồn.

Trong báo cáo khoa học, kĩ năng diễn giải rất quan trọng, vì nó tạo cơ hội cho các tác giả đang học tiếng Anh một cách học tiếng Anh thực tế nhất và hữu hiệu nhất. Kinh nghiệm của tôi cho thấy cách diễn giải tốt nhất là đọc đi đọc lại đoạn văn gốc cho đến khi hiểu đầy đủ ý nghĩa của đoạn văn, sau đó đặt đoạn văn gốc qua một bên, và viết lại đoạn văn với từ và cách trình bày của chính mình. Nếu cần, viết vài chữ ở phía dưới đoạn văn mới viết để tự nhắc nhở mình nên sử dụng hay thay đổi câu văn này như thế nào. Một vài điều quan trọng cần nhớ khi diễn giải câu văn của người khác như sau:

Thứ nhất là giữ đúng nghĩa của bản gốc. Nên nhớ rằng chúng ta chỉ diễn giải lại, nên không được thay đổi những mối quan hệ trong bản gốc và ý nghĩa mà tác giả muốn nói.

Thứ hai là dùng từ đồng nghĩa (synonym). Điều này đòi hỏi người viết phải có một vốn ngữ vựng khá để có thể thay đổi chữ của người khác mà vẫn không thay đổi ý nghĩa gốc. Đối với những thuật ngữ thì cách an toàn nhất là không nên thay đổi, vì làm như thế rất ư là ngô nghê!

Thứ ba là thay đổi văn phạm. Cách tốt nhất là cắt câu văn dài thành một vài câu văn ngắn, hoặc gép vài câu văn quá ngắn thành một câu văn cô đọng hơn. Cách thứ hai là thay đổi thì active thành thì passive cũng là một hình thức rất hữu hiệu.

Thứ tư là (nếu được) thay đổi thứ tự của thông tin. Đôi khi các tác giả viết văn cũng rất khó hiểu vì họ trình bày nhiều thông tin làm loãng ý chính, và đây chính là cơ hội lí tưởng để mình diễn giải thì ý của mình bẳng cách sắp xếp lại ý tưởng và thông tin một cách logic hơn.

Thứ năm là để ý đến thái độ của tác giả đến đề tài. Đôi khi tác giả để lộ thái độ và cảm tính với đề tài (qua những từ như certain, uncertain, critical, striking, remarkable, wonderful, v.v…) và viết lại theo hình thức trung hòa hơn. Trong khoa học văn chương cần phải … lạnh lùng, tránh từ ngữ cảm tính.

Quay lại câu văn gốc trên,

The rise of industry, the growth of cities, and the expansion of the population were the three great developments of late nineteenth century American history. As new, larger, steam-powered factories became a feature of the American landscape in the East, they transformed farm hands into industrial laborers, and provided jobs for a rising tide of immigrants. With industry came urbanization the growth of large cities (like Fall River, Massachusetts, where the Bordens lived) which became the centers of production as well as of commerce and trade.

nếu tác giả viết:

Fall River, where the Borden family lived, was typical of northeastern industrial cities of the nineteenth century. Steam-powered production had shifted labor from agriculture to manufacturing, and as immigrants arrived in the US, they found work in these new factories. As a result, populations grew, and large urban areas arose. Fall River was one of these manufacturing and commercial centers (Williams 1).

thì sẽ không xem là đạo văn mà là diễn tả lại ý chính của tác giả gốc. Đây là một cách diễn giải hợp lí, chấp nhận được, bởi vì tác giả giữ thông tin gốc qua cách dùng chữ, và cho biết nguồn gốc của ý tưởng.

Như tôi nói ở trên, diễn giải một đoạn văn ngoài kĩ năng văn phạm, cú pháp, còn đòi hỏi một vốn ngữ vựng dồi dào. Ngữ vựng cho phép chúng ta dùng từ khác với từ gốc. Một số từ có thể thay thế mà có thể không làm thay đổi ý nghĩa gốc như sau:

Từ chỉ không gian: above, below, here, there, v.v...

Từ chỉ thời gian: after, before, currently, at present, during, earlier, later, v.v...

Từ chỉ ví dụ: for example, for instance, v.v...

Từ chỉ thêm nữa: additionally, in addition, also, moreover, furthermore, equally important, v.v...

Từ chỉ tương đương: also, likewise, in the same way, similarly, v.v...

Từ chỉ ngoại lệ: but, yet, however, nonetheless, on the other hand, on the contrary, v.v...

Từ chỉ loạt: first, second, third, next, then, v.v...

Từ nhấn mạnh: indeed, in fact, of course, v.v...

Từ chỉ nguyên nhân và hệ quả: accordingly, consequently, as a result, as a consequence, therefore, thus, v.v...

Từ kết luận: finally, in conclusion, in summary, on the whole, in the end, v.v...

Đạo văn trong khoa học được nhắc đến rất nhiều lần, và một phần không nhỏ có liên quan đến sinh viên mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Đã có nhiều trường hợp luận án bị thu hồi vì vấn đề đạo văn. Khi người ta làm nghiên cứu ở sinh viên Mã Lai đang học tại Úc thì phát hiện rằng họ không cố ý đạo văn, nhưng chỉ vì họ không phân biệt được khác biệt giữa đạo văn, diễn giải, và tóm lược. Tôi hi vọng bài này sẽ giúp một phần cho “phe ta” phân biệt được 3 hình thức trên và tránh phạm phải lỗi lầm đáng tiếc.

Viết bài báo khoa học không đơn giản như nhiều người tưởng. Không biết các ngành khác thì sao, nhưng trong lĩnh vực y khoa thì viết một bài báo khoa học 10 trang thường kéo dài khoảng 3 tháng. Nói như vậy để các bạn mới vào “nghề” không nên đánh giá thấp quá trình và kĩ năng viết một bài báo khoa học.

NVT

TB: M. Roig có một bài rất đầy đủ về đạo văn ở đây:
http://facpub.stjohns.edu/~roigm/plagiarism/Index.html

Kĩ năng mềm cho nghiên cứu sinh

Gần đây, tôi nhận được khá nhiều thư hỏi về những bài tôi viết về kĩ năng mềm cho giới làm nghiên cứu y khoa. Những bài này được soạn theo kiểu “chỉ dẫn”, được công bố rải rác trên các tạp chí trong nước và một số website. Bây giờ tìm lại cũng khó, vì tôi không giữ các bài viết đó một cách có hệ thống. Nay tôi sẽ dần dần gom về đây bằng những đường dẫn (link) để các bạn có thể tự tải về mà không cần viết thư hỏi tôi.

Kĩ năng mềm cho nhà khoa học
Web: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/03/ky-nang-mem-cho-nha-khoa-hoc.html
Hoặc: http://www.bulletin.vnu.edu.vn/btdhqghn/Vietnamese/C1483/C1636/2009/03/N24427/?1

Thế nào là một bài báo khoa học?
Web: http://www.ykhoanet.com/congtacvien/nguyenvantuan/baokhoahoc.htm

Cách viết báo cáo khoa học cho các tập san khoa học quốc tế
Web: http://vietsciences.free.fr/khaocuu/nguyenvantuan/cachvietbaocaokhoahoc.htm

Cách viết báo cáo khoa học cho các tập san khoa học quốc tế
Web: http://vietsciences.free.fr/khaocuu/nguyenvantuan/cachvietbaocaokhoahoc.htm

Scientific writing: a friendly guide
Web: http://vietsciences.free.fr/khaocuu/nguyenvantuan/Guide%20to%20Scientific%20Writing.pdf

Vấn đề tác giả bài báo khoa học
Web: http://vietsciences.free.fr/khaocuu/nguyenvantuan/vandetacgiabaibaokhoahoc.htm

Hợp tác khoa học kiểu nhảy dù
Web: http://www.ykhoanet.com/binhluan/nguyenvantuan/khoahocnhaydu.htm

Khi nào tìm thấy bài khác, tôi sẽ cập nhật cho các bạn.

NVT

Khi các nhà khoa học gật đầu và mỉm cười

"Đã biết bao nhiêu lần, tôi chứng kiến cảnh diễn giả nói tiếng Anh không rành phải được yêu cầu nhường cho người khác nói; cảnh các nhà khoa học trong nước ra ngoài họp chỉ biết lịch sự gật đầu và … mỉm cười".

Trong thời đại toàn cầu hóa, thông thạo một ngoại ngữ mở ra một cánh cửa và lựa chọn sự nghiệp cho cá nhân.

Ở nước ta trong quá khứ, có nhiều “làn sóng” học tiếng Pháp, Nga, và tiếng Trung Quốc. Nhưng xu hướng chung của HSSV ngày nay có lẽ là học tiếng Anh. Thật ra, chẳng phải riêng gì ở nước ta, mà trên thế giới ngày nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất, được nhiều người học nhất, và có nhu cầu cao nhất (1). Theo thống kê hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của khoảng 400 triệu người. Ngoài số này, còn có hơn 430 triệu người sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai, và khoảng 750 triệu người sử dụng tiếng Anh như là một ngoại ngữ (1). Có nghiên cứu cho rằng đến năm 2015, phân nửa dân số trên thế giới sẽ sử dụng tiếng Anh.

Bất cứ sự mất cân bằng nào cũng đáng quan tâm. Phong trào theo học tiếng Anh ở nước ta làm cho vài người quan tâm đến vấn đề chiến lược hay “làm nghèo văn hóa”. Thật ra, tôi rất cảm thông với những quan tâm này, nhưng chúng ta cũng cần nên nhìn vấn đề thực tế hơn. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn qua vấn đề này qua kinh nghiệm và cái nhìn của một người làm khoa học.

Trên thế giới ngày nay, tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, mà còn là một thứ ngôn ngữ Esperanto trong hoạt động khoa học quốc tế. Vào thập niên 1980s, trên 60% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh. Hai mươi năm sau, con số này là trên 80%. Trong vài lĩnh vực như y khoa và sinh học, hiện nay hơn 90% các tập san sử dụng tiếng Anh (2). Ngay cả tập san khoa học tại các nước không nói tiếng Anh như các nước Bắc Âu và Nhật cũng sử dụng tiếng Anh làm phương tiện thông tin. Các tập san danh tiếng và uy tín vào hàng số một trên thế giới (như Science, Nature, Cell, Lancet, New England Journal of Medicine, Nature Genetics, v.v…) đều xuất bản bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế cho các hội nghị khoa học quốc tế. Ngay cả các diễn giả đến từ các cường quốc khoa học như Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển … cũng chỉ dùng tiếng Anh để trao đổi vớ đồng nghiệp quốc tế. Những ai không thạo tiếng Anh là cũng có khi đồng nghĩa với thiệt thòi. Một số hội nghị quốc tế thẳng thừng yêu cầu diễn giả phải trình bày nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh, và nếu không thông thạo tiếng Anh thì ban tổ chức sẽ rút lại bài báo cáo! (Người viết bài này thường làm chủ tọa và nằm trong ban tổ chức các hội nghị quốc tế nên biết khá rõ điều này đằng sau hậu trường, và đã từng chứng kiến khá nhiều trường hợp các diễn giả gốc Á châu bị “ép”).

Đã biết bao nhiêu lần, trong các hội nghị, tôi chứng kiến cảnh diễn giả nói tiếng Anh không rành phải được yêu cầu nhường cho người khác nói. Đã biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh các nhà khoa học trong nước ra ngoài họp và không nói và viết thạo tiếng Anh, không có khả năng diễn đạt kết quả nghiên cứu một cách rành rọt, và đồng nghiệp chỉ biết lịch sự gật đầu và … mỉm cười. Thật là một thiệt thòi!

Đến nay thì chúng ta đã biết rằng sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Theo tác giả Phạm Duy Hiển (Tạp chí Tia Sáng số Tháng 6/2005) trong năm 2003, các nhà khoa học VN đã công bố trên 7000 bài báo trên các tạp chí hay tập san khoa học trong nước. Con số này rất ư là ấn tượng, song đó chỉ là những bài báo “ta viết cho ta đọc” chứ trên trường quốc tế thì sự hiện diện của các nhà khoa học VN còn rất khiêm tốn. Vẫn theo tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2001 các nhà khoa học VN chỉ công bố được 354 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà 71% con số này là do cộng tác với các nhà khoa học ngoài VN. Trong ngành y khoa, trong suốt 40 năm qua (tính từ 1965) các nhà khoa học tại VN chỉ có khoảng 300 bài báo trên các tập san y sinh học quốc tế. Đó là những con số cực kì khiêm tốn, khi so sánh với Thái Lan (5000 bài) hay Singapore (20.000 bài).

Tình trạng khiêm tốn trên có nhiều lí do, nhưng một trong những lí do đó, theo tôi, là khả năng tiếng Anh của các nhà khoa học trong nước còn nhiều hạn chế. Điều này cũng có thể hiểu được vì hơn một thế hệ nhà khoa học ở nước ta thạo tiếng Nga hơn là tiếng Anh trong thập niên 1960s và 1970s. Tôi từng biết khá nhiều trường hợp các đồng nghiệp trong nước có nghiên cứu, thảo xong một bài báo và gửi cho tập san khoa học, nhưng bị trả lại vì chất lượng tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn. Đó là một thiệt thòi cực kì thực tế cho khoa học VN.

Vì đóng vai trò biên tập trong vài tập san y khoa thế giới, nên tôi thường thấy rất nhiều trường hợp mà bài báo khoa học từ các nước như Nga, Cuba, Ba Lan, Ả Rập, Mã Lai, Thái Lan, thậm chí Nhật, ban biên tập phải trả lại cho tác giả vì vấn đề tiếng Anh. Do đó, một số nước giàu có như Nhật và Thụy Điển chẳng hạn, các trường ĐH bỏ tiền ra để mướn chuyên gia tiếng Anh chỉ để cố vấn và sửa bản thảo bằng tiếng Anh cho các nhà khoa học bản xứ.

Tất nhiên, các nhà khoa học trong nước vẫn có thể gửi bài báo đến các tập san ngoài tiếng Anh, nhưng rất tiếc là số lượng các tập san đó không nhiều và chất lượng cũng chẳng cao, và rất ít người đọc. Nhưng người làm khoa học muốn chia sẻ thông tin, muốn quảng bá ý tưởng của mình đến một diễn đàn rộng lớn nhất, và hiện nay chỉ có một ngôn ngữ duy nhất làm phương tiện cho việc quảng bá thông tin: đó là tiếng Anh!

Có nhiều người lí giải rằng chẳng cần học tiếng Anh vì biết tiếng Đức hay Pháp cũng có thể làm khoa học. Nhưng điều này chỉ đúng một phần, vì chính những giới khoa học từ các “cường quốc” khoa học này cũng học tiếng Anh để trao đổi với đồng nghiệp trên thế giới.

Do đó, đứng trên phương diện và vì lợi ích khoa học ở nước ta, tôi thấy tiếng Anh cần phải được xem là một ngoại ngữ chính không chỉ cho cho HSSV mà còn cho cả các quan chức. Cố nhiên, cũng nên được khuyến khích HSSV theo học các ngoại ngữ khác, nhưng hiện nay, tiếng Anh vẫn là một ưu tiên số một.

Chú thích:
1. Crystal D. English as a global language. Cambridge University Press ed 2, 2003.
2. Large A. The foreign language barrier. Deutsch, London, 1983.

http://www3.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/05/568368/

Cách viết một đoạn văn

Một bài báo khoa học thường được viết theo cấu trúc IMRAD (introduction, methods, results, and discussion). Mỗi phần bao gồm một số đoạn văn (paragraphs). Mỗi đoạn văn bao gồm nhiều câu văn (sentence). Một trong những khó khăn mà tôi thấy sinh viên thường gặp lúc viết bài báo khoa học là cách cấu trúc một đoạn văn sao cho dễ đọc và “trôi chảy”. Thật ra, chẳng riêng gì sinh viên, tôi thấy ngay cả những thầy cô vẫn viết văn khoa học rất tồi. Do đó, tưởng là việc dễ làm, nhưng trong thực tế thì không dễ chút nào. Trong bài này tôi sẽ mách một vài kinh nghiệm trong việc cấu trúc một đoạn văn một cách logic và trôi chảy.

Một đoạn văn là một “đơn vị” văn chương của một bài báo khoa học. Điều mà người đọc kì vọng khi đọc một đoạn văn là ý tưởng của người viết và thông tin làm nền tảng cho ý tưởng đó. Nếu người viết không đáp ứng được kì vọng này – như đoạn văn có nhiều ý tưởng, hay không có bằng chứng – thì người đọc sẽ cảm thấy lẫn lộn hay khó chịu, và sẽ không muốn tiếp tục đọc.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là: một đoạn văn phải có chức năng gì? Nói một cách ví von, điều mà người đọc muốn tìm trong một đoạn văn khoa học cũng chẳng khác gì chúng ta kì vọng ở một người bạn đời: đó là tinh thần ủng hộ, kiên định, và chu đáo. Một đoạn văn cũng cần có những đặc điểm như thế: có bằng chứng yểm trợ cho ý tưởng, có lập trường kiên định, và phải khúc chiết.

Bằng chứng. Một đoạn văn tốt là một đoạn văn hàm chứa thông tin, và thông tin đó phải có liên quan hay mang tính yểm trợ cho luận án của người viết. Đoạn văn đó cần phải có liên hệ với luận án một cách rõ ràng, sao cho cả thế giới đuều biết được đoạn văn đó có ý định nói lên điều gì.

Kiên định. Một đoạn văn tốt phải mạnh mẽ và có khi trần trụi. Một đoạn văn mạnh mẽ rất cần thiết để phát triển một ý tưởng chính bằng cách dùng đầy đủ bằng chứng. Một đoạn văn tốt không nên có những câu văn thừa thải, những câu văn “gầy gò”, với bằng chứng chẳng có liên quan gì với nhau.

Khúc chiết ở đây có nghĩa là đoạn văn đó phải “hòa hợp” với những đoạn văn khác trong bài báo. Một đoạn văn tốt không bao giờ làm gián đoạn các đoạn văn khác, mà lúc nào cũng có ý tưởng liên quan với một đoạn văn trước đó.

Một đoạn văn bao gồm nhiều câu văn (sentence). Một đoạn văn đơn giản nhất phải có một câu văn chủ đề, và một số câu văn phụ đề. Câu văn chủ đề có mục tiêu “tuyên bố” một ý tưởng hay một quan điểm, còn những câu văn phụ đề có chức năng cung cấp chi tiết và thông tin để làm cơ sở cho câu văn chủ đề. Do đó, một đoạn văn tốt phải hàm chứa những thông tin mang tính khúc chiết và liên kết. Ở đây, tôi không bàn chi tiết về kĩ thuật viết một đoạn văn (vì đã có nhiều sách chỉ dẫn), tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm với bạn đọc một vài điểm chính sau đây:

1. Mỗi đoạn văn chỉ nên nói lên một ý tưởng hay một điểm mà thôi. Khi mới bắt tay vào viết bài báo khoa học, nên tránh kiểu viết một đoạn văn chứa nhiều ý tưởng hay điểm nhỏ. Hãy đọc đoạn văn sau đây:

Muscle length and changes in contractility have been reported to have overlapping effects on the components of excitation-contraction coupling. Muscle length is believed to affect the action potential, the amount of calcium released, and the rise of intracellular calcium …; finally, muscle length affects the interaction between actin and myosin and hence shortening and force development. Changes in contractility are believed to affect the action potential and the level and rise of intracellular calcium.

Trong đoạn văn trên, muscle length và contractility được bàn riêng lẻ thể hiện qua nhiều câu văn nhưng tác giả không nói đến những đặc điểm tương đồng giữa hai khía cạnh này. Những câu văn cũng không trực tiếp minh họa cái mà tác giả gọi là overlapping effect tuyên bố trong câu văn đầu tiên. Ngoài ra, chúng ta cũng không thấy mối liên hệ giữa các câu văn trong đoạn văn trên. Đoạn văn trên có thể biên tập lại cho rõ ràng hơn như sau:

Muscle length and changes in contractility have been reported to have overlapping effects on the components of excitation-contraction coupling. Both affect [Muscle length is believed to affect] the action potential, the amount of calcium released, and the rise of intracellular calcium. In addition [finally], muscle length affects the interaction between actin and myosin and hence affects muscle shortening and force development. [Changes in contractility are believed to affect the action potential and the level and rise of intracellular calcium].

(những chỗ màu xanh là bỏ, cắt đi).

2. Giải thích. Đôi khi, một câu văn cần phải giải thích tại sao có hành động. Mặc dù người viết có thể kì vọng người đọc phải hiểu đề tài, nhưng đôi khi chính người viết phải giúp đỡ người đọc hiểu đề tài bằng cách giải thích rõ ràng hơn.

All of the patient data were kept in paper files. The absence of even one clerk caused delays in the monthly reporting. Finally, management decided to interview some system analysts.

Trong đoạn văn trên, sự nối kết của 3 câu văn không rõ ràng mấy. Dù biết rằng người đọc có thể suy luận được ý nghĩa của đoạn văn, nhưng tại sao chúng ta không viết rõ ràng hơn để người đọc khỏi mất thì giờ? Đoạn văn trên có thể biên tập lại như sau:

All of the patient data were kept in paper files, which took much staff time to maintain. The absence of even one clerk caused delays in the monthly patient reports [reporting]. Management wanted computerized record keeping, which would take less time and be more reliable, and finally, [mnagement] decided to interview some system analysts to develop the new system.

3. Cấu trúc song song. Cần phải cấu trúc đoạn văn song song để dễ đọc. Đọc thử đoạn văn sau đây:

A 10 mg dose produced no affect, a 20 mg dose produced a small effect, but patients demonstrated a noticeable effect from a 30 mg dose.

Chúng ta thấy tác giả cố gắng thay đổi cấu trúc khi nói về ảnh hưởng của liều lượng 30 mg, nhưng cách viết này làm cho câu văn khó hiểu. Có thể viết lại như sau:

A 10 mg dose produced no affect, a 20 mg dose produced a small effect, but a 30 mg dose produced [patients demonstrated] a noticeable effect in patients. [fom a 30 mg dose].

4. Nhất quán trong cách viết. Cần phải duy trì cách viết một cách nhất quán. Nếu dùng thì thụ động trong câu đầu thì phải cố gắng theo cách dùng đó. Chẳng hạn như:

Topical applications of the drug did not improve the condition. The condition improved after small doses were delivered intravenously.

Câu đầu theo thể thụ động (passive voice), nhưng câu thứ hai thì chuyển sang chủ động (active voice). Nên duy trì nhất quán cách viết như sau:

Topical applications of the drug did not improve the condition. Intravenous delivery of small doses improved the condition. [Fhe condition improved after small doses were delivered intravenously].

Để tạm kết thúc bài này, tôi mời các bạn thử đọc một đoạn văn của Gs Samuel Huntington, một tác giả thuộc vào hàng “favorite” của tôi. (Tôi chỉ thích và ngưỡng mộ cách viết của ông ấy thôi, chứ không hẳn thích quan điểm chính trị của ông ấy). Đoạn này tôi trích trong bài “The Hispanic Challenge” đăng trên tập san Foreign Affairs số ra ngày 1/3/2004:

Most Americans see the creed as the crucial element of their national identity. The creed, however, was the product of the distinct Anglo-Protestant culture of the founding settlers. Key elements of that culture include the English language; Christianity; religious commitment; English concepts of the rule of law, including the responsibility of rulers and the rights of individuals; and dissenting Protestant values of individualism, the work ethic, and the belief that humans have the ability and the duty to try to create a heaven on earth, a "city on a hill." Historically, millions of immigrants were attracted to the United States because of this culture and the economic opportunities and political liberties it made possible.

Như có thể thấy, câu đầu tuyên bố chủ đề của đoạn văn về căn cước quốc gia. Câu thứ hai nối kết với câu 1 một cách tuyệt vời về mặt chữ nghĩa. Những câu kế tiếp cung cấp thêm thông tin và dữ liệu yểm trợ cho câu văn đầu tiên. Và, câu cuối cùng quay lại câu chủ đề như là một nhấn mạnh. Một đoạn văn được viết một cách chắc nịch! Đúng là cách viết của một bậc thầy.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bậc thầy khác, không phải trong khoa học, mà là trong văn học: Nhà biên khảo Sơn Nam. Trong một cuốn sách mà tôi đọc lâu lắm rồi, trong đó tác giả kể lại rằng có lần Sơn Nam khuyên tác giả về cách viết văn như sau: “Mày viết câu văn phải có bắp thịt. Nghĩa là nó không phẳng lỳ làng nhàng, đọc lên không gây xúc cảm. […] Nói nôm na ra là như cái bắp thịt con chuột của anh nông dân. Văn là phải như thế đó, chớ không phải suông đuột như bắp tay con gái. […] ta phải dùng chữ nào chính xác nhất, đắt giá nhất, độc đáo nhất để diễn đạt cái ý ta muốn diễn đạt. Nghĩa là khi ta dùng chữ đó rồi, không chữ nào thay vào mà hay hơn được. […] Mày hiểu không? Cũng như mày lựa vợ vậy, khi mày đã chấm cô A thì cô B dù có đẹp hơn giàu hơn cũng không làm mày hạnh phúc bằng cô A! Hì hì …”

Tôi nghĩ một lời khuyên như thế trong viết văn khoa học cũng rất thích hợp.

NVT