Mới đây có vài tuần, vụ Madoff trong y khoa (Gs Scott Reuben giả tạo dữ liệu) làm rúng động giới y khoa Mĩ và thế giới, tưởng là một bài học mới nhất để giữ chữ tín trong y khoa. Nhưng có ai ngờ được một vụ này lại xảy ra nữa! Sự vụ lần này cũng liên quan đến giả tạo dữ liệu trong nghiên cứu y khoa, và xảy ra ở một trung tâm quân y nổi tiếng thế giới.
Timothy R. Kuklo, 48 tuổi, là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình và phó giáo sư y khoa thuộc Đại học Washington ở St Louis (bang Missori, Mĩ). Tốt nghiệp từ trường võ bị danh tiếng Westpoint, ông từng phục vụ trong quân y Mĩ tại Trung tâm quân y Walter Reed, một trung tâm y khoa danh tiếng của Mĩ. Tuần vừa qua, ông bị 4 đồng nghiệp tố cáo là giả tạo số liệu trong nhiều công trình nghiên cứu, và có những mối liên hệ đáng nghi ngờ với một công ti sinh học.
Timothy R. Kuklo
Trong thời gian phục vụ tại Trung tâm quân y Walter Reed bác sĩ Kuklo thường đi thuyết giảng khắp nơi về hiệu quả của một sản phẩm của ông ti Medtronic có tên là Infuse, một loại protein mà ông cho là có hiệu quả làm lành xương nhanh chóng. Trong công trình nghiên cứu được công bố trên một tập san y khoa bên Anh vào năm ngoái, Kuklo báo cáo rằng trong thời gian 3/2003 đến 3/2005 ông đã sử dụng Infuse để điều trị cho 138 bệnh nhân (quân nhân) bị thương chân do nổ mìn trong cuộc chiến Iraq, và tỉ lệ thành công là 92%.
Nhưng các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm quân y Walter Reed cho biết tuy Infuse có hiệu quả, nhưng không phải cao đến 92% như Kuklo báo cáo. Quan trọng hơn nữa, hồ sơ bệnh án của Trung tâm Walter Reed cho thấy trong thời gian đó Trung tâm không có nhiều bệnh nhân chấn thương chân như thế. Một đồng nghiệp là đại tá y khoa cho biết đọc bài báo của Kuklo ông cứ tưởng đó là một quần thể bệnh nhân ma, chứ không có thật ngoài đời!
Ngoài ra, qua điều tra, các quan chức quân y phát hiện ông giả mạo chữ kí của 4 đồng nghiệp tại Trung tâm quân y Walter Reed trong một bài báo khoa học để công bố trên một tập san y khoa Anh vào năm ngoái. Bốn đồng nghiệp này được ghi là đồng tác giả của bài báo, nhưng họ chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu, và cũng chẳng biết tên mình xuất hiện trong bài báo!
Kuklo là một “cảm tình viên” của Infuse. Như nói trên, ông đi quảng bá Infuse khắp nơi về Infuse và thuyết phục đồng nghiệp nên sử dụng protein càng nhiều càng tốt cho bệnh nhân! Ông là người có tài ăn nói và thuyết phục đến độ có đồng nghiệp nhận xét nếu ông bảo đưa tài khoản ngân hàng thì chắc chắn có người sẽ đưa! Chỉ trong vòng vài năm, doanh thu của Medtronic từ Infuse lên đến 500 ngàn USD.
Infuse được sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện dân sự bên Mĩ cho giải phẫu xương cột sống và điều trị gãy xương. Nhưng các bác sĩ có thể sử dụng Infuse cho các chỉ định khác. Năm ngoái, Cục quản lí thuốc và thực phẩm Mĩ (FDA) ra thông báo cho biết nếu infuse được sử dụng trong giải phẫu cổ có thể làm cho bệnh nhân khó thở. Infuse không được FDA phê chuẩn cho sử dụng trong giải phẫu cổ. Do đó, việc làm và mối liên hệ của Kuklo với công ti Medtronic được đánh giá là có tiềm năng gây tác hại đến quân nhân và bệnh nhân.
Công ti Medtronic cho biết họ có tài trợ cho Kuklo làm nghiên cứu và có trả tiền phí cho các buổi nói chuyện của ông, nhưng họ từ chối không cho biết số tiền đó là bao nhiêu. Một dân biểu liên bang yêu cầu phải mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vấn đề.
Có thể nhìn vụ việc này một cách tích cực hơn: hệ thống kiểm tra và tự kiểm tra trong khoa học có hiệu quả. Bởi vì nếu hệ thống này không có hiệu quả thì làm sao phát hiện được những còn "cừu đen" này. Do đó, tôi nghĩ công chúng có lí do để tin tưởng vào khoa học.
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Ở nước ta chưa có những vụ giả tạo dữ liệu được phát hiện và công bố. Tuy nhiên, privately thì có nhiều trường hợp cười ra nước mắt. Có trường hợp một em sinh viên y khoa đi làm thuê thu thập dữ liệu cho một giáo sư ở TPHCM kể lại những chuyện rất động trời. Em kể rằng ban ngày đi tìm đối tượng để phỏng vấn và điền vào bộ câu hỏi, nhưng vì người dân ở vùng Cao Nguyên bận quá nên không nhớ hết, và thế là ban đêm về khách sạn em tự điền vào bộ câu hỏi theo tưởng tượng của mình. Em còn cho biết cả đoàn của em ai cũng làm như thế! Em còn cho biết chẳng riêng gì em, mà giáo sư của em cũng làm vậy thôi. Thật là động trời. Có lẽ chính vì thế mà nhiều nghiên cứu ở VN lúc nào cũng "đẹp", không có "missing data". Những chuyện như thế này thì có nhiều, nhưng có lẽ do quan hệ cá nhân với nhau, nên chẳng ai lên tiếng. Câu chuyện trên đây cho thấy sinh viên (và chắc cả các giáo sư) cần đọc và quán triệt văn hóa khoa học, chứ nếu với đà này thì nguy hiểm quá.
NVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét