Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Khi các nhà khoa học gật đầu và mỉm cười

"Đã biết bao nhiêu lần, tôi chứng kiến cảnh diễn giả nói tiếng Anh không rành phải được yêu cầu nhường cho người khác nói; cảnh các nhà khoa học trong nước ra ngoài họp chỉ biết lịch sự gật đầu và … mỉm cười".

Trong thời đại toàn cầu hóa, thông thạo một ngoại ngữ mở ra một cánh cửa và lựa chọn sự nghiệp cho cá nhân.

Ở nước ta trong quá khứ, có nhiều “làn sóng” học tiếng Pháp, Nga, và tiếng Trung Quốc. Nhưng xu hướng chung của HSSV ngày nay có lẽ là học tiếng Anh. Thật ra, chẳng phải riêng gì ở nước ta, mà trên thế giới ngày nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất, được nhiều người học nhất, và có nhu cầu cao nhất (1). Theo thống kê hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của khoảng 400 triệu người. Ngoài số này, còn có hơn 430 triệu người sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai, và khoảng 750 triệu người sử dụng tiếng Anh như là một ngoại ngữ (1). Có nghiên cứu cho rằng đến năm 2015, phân nửa dân số trên thế giới sẽ sử dụng tiếng Anh.

Bất cứ sự mất cân bằng nào cũng đáng quan tâm. Phong trào theo học tiếng Anh ở nước ta làm cho vài người quan tâm đến vấn đề chiến lược hay “làm nghèo văn hóa”. Thật ra, tôi rất cảm thông với những quan tâm này, nhưng chúng ta cũng cần nên nhìn vấn đề thực tế hơn. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn qua vấn đề này qua kinh nghiệm và cái nhìn của một người làm khoa học.

Trên thế giới ngày nay, tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, mà còn là một thứ ngôn ngữ Esperanto trong hoạt động khoa học quốc tế. Vào thập niên 1980s, trên 60% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh. Hai mươi năm sau, con số này là trên 80%. Trong vài lĩnh vực như y khoa và sinh học, hiện nay hơn 90% các tập san sử dụng tiếng Anh (2). Ngay cả tập san khoa học tại các nước không nói tiếng Anh như các nước Bắc Âu và Nhật cũng sử dụng tiếng Anh làm phương tiện thông tin. Các tập san danh tiếng và uy tín vào hàng số một trên thế giới (như Science, Nature, Cell, Lancet, New England Journal of Medicine, Nature Genetics, v.v…) đều xuất bản bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế cho các hội nghị khoa học quốc tế. Ngay cả các diễn giả đến từ các cường quốc khoa học như Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển … cũng chỉ dùng tiếng Anh để trao đổi vớ đồng nghiệp quốc tế. Những ai không thạo tiếng Anh là cũng có khi đồng nghĩa với thiệt thòi. Một số hội nghị quốc tế thẳng thừng yêu cầu diễn giả phải trình bày nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh, và nếu không thông thạo tiếng Anh thì ban tổ chức sẽ rút lại bài báo cáo! (Người viết bài này thường làm chủ tọa và nằm trong ban tổ chức các hội nghị quốc tế nên biết khá rõ điều này đằng sau hậu trường, và đã từng chứng kiến khá nhiều trường hợp các diễn giả gốc Á châu bị “ép”).

Đã biết bao nhiêu lần, trong các hội nghị, tôi chứng kiến cảnh diễn giả nói tiếng Anh không rành phải được yêu cầu nhường cho người khác nói. Đã biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh các nhà khoa học trong nước ra ngoài họp và không nói và viết thạo tiếng Anh, không có khả năng diễn đạt kết quả nghiên cứu một cách rành rọt, và đồng nghiệp chỉ biết lịch sự gật đầu và … mỉm cười. Thật là một thiệt thòi!

Đến nay thì chúng ta đã biết rằng sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Theo tác giả Phạm Duy Hiển (Tạp chí Tia Sáng số Tháng 6/2005) trong năm 2003, các nhà khoa học VN đã công bố trên 7000 bài báo trên các tạp chí hay tập san khoa học trong nước. Con số này rất ư là ấn tượng, song đó chỉ là những bài báo “ta viết cho ta đọc” chứ trên trường quốc tế thì sự hiện diện của các nhà khoa học VN còn rất khiêm tốn. Vẫn theo tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2001 các nhà khoa học VN chỉ công bố được 354 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà 71% con số này là do cộng tác với các nhà khoa học ngoài VN. Trong ngành y khoa, trong suốt 40 năm qua (tính từ 1965) các nhà khoa học tại VN chỉ có khoảng 300 bài báo trên các tập san y sinh học quốc tế. Đó là những con số cực kì khiêm tốn, khi so sánh với Thái Lan (5000 bài) hay Singapore (20.000 bài).

Tình trạng khiêm tốn trên có nhiều lí do, nhưng một trong những lí do đó, theo tôi, là khả năng tiếng Anh của các nhà khoa học trong nước còn nhiều hạn chế. Điều này cũng có thể hiểu được vì hơn một thế hệ nhà khoa học ở nước ta thạo tiếng Nga hơn là tiếng Anh trong thập niên 1960s và 1970s. Tôi từng biết khá nhiều trường hợp các đồng nghiệp trong nước có nghiên cứu, thảo xong một bài báo và gửi cho tập san khoa học, nhưng bị trả lại vì chất lượng tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn. Đó là một thiệt thòi cực kì thực tế cho khoa học VN.

Vì đóng vai trò biên tập trong vài tập san y khoa thế giới, nên tôi thường thấy rất nhiều trường hợp mà bài báo khoa học từ các nước như Nga, Cuba, Ba Lan, Ả Rập, Mã Lai, Thái Lan, thậm chí Nhật, ban biên tập phải trả lại cho tác giả vì vấn đề tiếng Anh. Do đó, một số nước giàu có như Nhật và Thụy Điển chẳng hạn, các trường ĐH bỏ tiền ra để mướn chuyên gia tiếng Anh chỉ để cố vấn và sửa bản thảo bằng tiếng Anh cho các nhà khoa học bản xứ.

Tất nhiên, các nhà khoa học trong nước vẫn có thể gửi bài báo đến các tập san ngoài tiếng Anh, nhưng rất tiếc là số lượng các tập san đó không nhiều và chất lượng cũng chẳng cao, và rất ít người đọc. Nhưng người làm khoa học muốn chia sẻ thông tin, muốn quảng bá ý tưởng của mình đến một diễn đàn rộng lớn nhất, và hiện nay chỉ có một ngôn ngữ duy nhất làm phương tiện cho việc quảng bá thông tin: đó là tiếng Anh!

Có nhiều người lí giải rằng chẳng cần học tiếng Anh vì biết tiếng Đức hay Pháp cũng có thể làm khoa học. Nhưng điều này chỉ đúng một phần, vì chính những giới khoa học từ các “cường quốc” khoa học này cũng học tiếng Anh để trao đổi với đồng nghiệp trên thế giới.

Do đó, đứng trên phương diện và vì lợi ích khoa học ở nước ta, tôi thấy tiếng Anh cần phải được xem là một ngoại ngữ chính không chỉ cho cho HSSV mà còn cho cả các quan chức. Cố nhiên, cũng nên được khuyến khích HSSV theo học các ngoại ngữ khác, nhưng hiện nay, tiếng Anh vẫn là một ưu tiên số một.

Chú thích:
1. Crystal D. English as a global language. Cambridge University Press ed 2, 2003.
2. Large A. The foreign language barrier. Deutsch, London, 1983.

http://www3.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/05/568368/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét