Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Người đi tìm "hóa học xanh"


PGS-TS Phan Thanh Sơn Nam (bìa trái) cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm mới
ở ĐH Bách khoa TP.HCM (Con trai tôi người thứ hai từ phải qua trái)
PN - Trong 121 giảng viên, giáo viên nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" của Thành Đoàn năm nay, duy nhất tiến sĩ (TS) Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Bách khoa TP.HCM) có học hàm phó giáo sư. Anh cũng là người trẻ thứ nhì (32 tuổi) của cả nước được phong học hàm này vào tháng 11/2009.

Những năm học phổ thông ở Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phan Thanh Sơn Nam (SN 1977) yêu thích toán và hóa học, nhưng rất “ấm ức” vì thường xuyên phải tưởng tượng các phản ứng hóa học trong đầu thay vì được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Học “chay” mãi môn hóa nên Sơn Nam quyết chí thi vào ngành hóa ĐH Bách khoa TP.HCM. Từ tỉnh lẻ về TP học, không được học bổng ở học kỳ đầu tiên, phải vay tiền ngân hàng để đóng học phí, anh gần như “phân thân” giữa công việc “gia sư” và học tập. Dù vậy, anh vẫn liên tục đoạt học bổng từ học kỳ II năm nhất cho đến khi tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học.


PGS-TS Phan Thanh Sơn Nam (bìa trái) cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm mới
ở ĐH Bách khoa TP.HCM (Con trai tôi người thứ hai từ phải qua trái)

Năm 2001, đề án 322 của Bộ GD-ĐT triển khai lần đầu việc cấp học bổng toàn phần để đào tạo TS, Sơn Nam “bạo gan” ứng thí. Sau khi hoàn tất phần thi tuyển toán, tiếng Anh và bảo vệ đề cương luận án TS liên quan đến hóa học xanh (hóa học thân thiện với môi trường), Phan Thanh Sơn Nam trở thành nghiên cứu sinh ở ĐH Sheffield (Anh).

Trong lúc 40% bạn đồng môn ở Khoa Kỹ thuật hóa học ĐH Sheffield bỏ cuộc giữa chừng, những người còn lại mất từ bốn - năm năm mới hoàn thành chương trình TS, thì Sơn Nam lấy được học vị này chỉ mất đúng ba năm.

Vài tháng cuối ở Anh, Sơn Nam đã gửi năm bộ hồ sơ tìm học bổng chương trình postdoc (thực tập sinh sau TS) ở các trường ĐH Anh, Mỹ nên chỉ ba tháng sau khi có học vị TS, anh lại “khăn gói” đến Viện công nghệ Georgia (Mỹ) tiếp tục làm việc hai năm. Ở Anh, trừ 20 phút ăn trưa, Nam đều miệt mài trong phòng thí nghiệm từ 7g30 - 18g30 hàng ngày nhưng ở Mỹ, anh có thể “cà thẻ” để vào phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào nên đã tận dụng cơ hội thực hành quý báu này để theo đuổi lĩnh vực chuyên môn về xúc tác cho hóa hữu cơ, "hóa học xanh" thân thiện với môi trường.

Năm 2006, TS Phan Thanh Sơn Nam về nước, trở thành chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hữu cơ (Khoa Kỹ thuật hóa học). Từ năm 2004-2010, Sơn Nam có mặt trong những nhóm nghiên cứu khác nhau để “trình làng” 10 công bố khoa học tiêu biểu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Anh còn là chủ nhiệm bốn đề tài khoa học được xếp loại tốt và xuất sắc. Nhìn lại thành quả bước đầu đó, Sơn Nam khẳng định: “Năng khiếu và may mắn chỉ một phần, quan trọng nhất là siêng năng làm việc”.

Sơn Nam đã ba lần nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT khi góp phần hướng dẫn sinh viên đoạt hạng nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2001, 2008, 2009.

Trong chương trình hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM và ĐH UCLA (Mỹ), TS Phan Thanh Sơn Nam nhận nhiệm vụ xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực vật liệu MANAR (cấu trúc nano và phân tử) và chương trình đào tạo TS cùng lĩnh vực này. Qua đó, Sơn Nam quản lý một phòng thí nghiệm có kinh phí đầu tư khoảng 36 tỷ đồng. Trong suốt buổi nói chuyện với TS Phan Thanh Sơn Nam, anh luôn “lái” câu chuyên về lại phòng thí nghiệm này với mong muốn “nhà báo quảng bá giùm để chúng tôi tập họp được thêm nhiều nghiên cứu sinh hơn nữa, vì công tác khoa học không thể làm việc một mình và càng quy tụ nhiều người mình càng có cơ hội học hỏi”.

Bạn làm quen với TS Phan Thanh Sơn Nam qua email: ptsnam@hcmut.edu.vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét