Đêm qua, nhân dịp ghé thăm anh bạn hàng xóm và nghe một câu chuyện mà tôi phải ghi lại đây để gọi là làm chứng từ cho hiện tượng “đầu thai”. Vâng, đúng là chuyện li kì, mà nếu không nghe từ chính miệng anh tôi kể thì chắc tôi sẽ gạt phắt là chuyện tầm phào ...
Câu chuyện bắt đầu từ bài báo trên VNN (xem dưới đây) nhưng lại trùng hợp với câu chuyện của anh bạn tôi. Nhân dịp ghé chơi nhà anh bạn, tôi kể cho các bạn bè nghe câu chuyện tôi mới đọc trên Vietnamnet hôm qua, viết về một em bé được tin là đầu thai sau vài năm chết vì một tai nạn. Nghe xong, anh bạn tôi (tên D) thản nhiên hỏi lại “vậy ông có muốn nghe chuyện của tôi không”. Câu chuyện của anh cũng li kì không kém, và có nhiều nét tương đồng với câu chuyện đầu thai trên Vietnamnet ...
Nhà anh D ở một làng ven sông thuộc tỉnh Trà Vinh. Gia đình anh có 4 anh chị em, nhưng chỉ có một mình anh đi vượt biên và đã định cư ở Úc gần 30 năm qua. Năm nay anh đã 60 tuổi. Sau ngày anh đi Úc, Ba anh đã qua đời, để lại má và mấy anh em.
Gia đình vẫn làm nghề nông và cuộc sống vẫn trôi theo thời gian một cách bình thản, cho đến một ngày câu chuyện “thằng nhỏ hỗn láo” xảy ra. Ở đầu sông có một cậu bé khoảng 7 tuổi, là con đầu lòng của cặp vợ chồng, có những lời nói bất thường. Cứ mỗi lần thấy má anh đi ngang nhà, cậu bé cứ chỉ vào bà và nói “Nó là vợ tao đó”. Thoạt đầu, má anh và mấy người hàng xóm chỉ cười vì nghĩ thằng bé nó tập nói, nên chẳng ai chấp nhứt cả. Nhưng cậu bé nói câu đó rất nhiều lần như thế mỗi khi thấy mặt má anh, làm cho má anh nổi giận và mắng cặp vợ chồng trẻ không biết dạy con. Thế là cậu bé ăn đòn. Nhưng dù ăn đòn thế nào đi nữa, nó vẫn khẳng định điều nó nói. Chẳng những thế, cậu bé còn chỉ mặt những người trong gia đình anh, và nói giọng kẻ cả “thằng này là con tao, nó thứ 3; con kia thứ 4”, và kể ra vanh vách những chuyện và thông tin mà chỉ có gia đình anh mới biết. Đến lúc đó thì không ai có thể xem là thằng bé hỗn láo hay nói bậy.
Anh em bên nhà gọi điện sang anh D và kể câu chuyện li kì trên, rồi hỏi anh phải làm gì. Trong một chuyến về thăm nhà anh quyết định tìm hiểu và tự mình chứng kiến mới tin. Ngày đầu tiên về thăm nhà, anh mua một con heo quay và mâm trái cây đem ra mộ để cúng ba anh, như là một việc làm rất thông thường của những người con đi xa mới về quê. Xong việc cúng bái, anh ghé thăm nhà người hàng xóm đầu sông (vốn không phải là chỗ quen biết hay bà con với gia đình anh). Vào nhà, anh gặp thằng bé và hỏi “Con có ăn gì không?” Cậu bé thản nhiên nói “Ăn hết một con heo quay rồi, no lắm rồi”. Anh kể nghe xong câu trả lời mà anh lạnh cả người. Anh thử hỏi thêm “biết tôi là ai không”, cậu bé cũng thản nhiên nói “Mày là thằng Hai chứ ai, mày ở xa mới về”. Lúc anh rời Việt Nam thì cậu bé chưa ra đời (và ba anh vẫn còn sống). Dù đã có vài ý niệm rằng con mình là một trường hợp đặc biệt, nhưng nghe qua cuộc đối thoại, cha mẹ của cậu bé cũng ngạc nhiên. Lại thêm những câu hỏi về những kỉ niệm riêng tư mà chỉ anh và ba anh biết, và cậu bé trả lời vanh vách, không sót một chi tiết nào. Điều đáng nói là cậu bé thản nhiên xưng “tao” và gọi anh là “mày” y như là ba anh lúc sinh tiền, nếu có khác thì giọng nói của một đứa bé! Đến đây thì anh tin rằng đứa bé chính là hiện sinh của ba anh, hay nói theo dân gian là ba anh đã “đầu thai”.
Sự xuất hiện của đứa bé làm cho gia đình anh khó ứng xử. Má anh không biết gọi cậu bé bằng gì, mấy người anh em cũng không biết gọi nó là “ba” hay không. Ba má cậu bé cũng lúng túng. Cả làng ai cũng biết câu chuyện ba anh đầu thai. Không giống như câu chuyện dưới đây, đứa bé vẫn ở nhà của cha mẹ nó, chứ không về ở nhà anh. Nay thì cậu bé đã lớn và lên thành phố theo học, nên ít ai nhắc lại chuyện xưa, dù ai trong làng cũng biết.
Tôi vẫn thường hay nghe người khác kể những câu chuyện đầu thai, và cũng đọc nhiều chuyện như thế trong sách báo phương Tây. Nhiều câu chuyện đầu thai (hay reincarnation) bên Tây còn li kì hơn câu chuyện tôi vừa kể. Nhưng thú thật tôi chỉ nghe và bỏ ngoài tai, chứ chẳng quan tâm. Một phần vì tôi chẳng thấy có bằng chứng khoa học nào nên làm sao tin được; một phần khác tôi nghĩ những câu chuyện đó bạn tôi chỉ nói cho vui hay nghe chuyện “tam sao thất bổn”. Thế nhưng khi đọc phóng sự của Vietnamnet và chính tôi nghe qua câu chuyện của anh bạn thì tôi bắt đầu dao động … Dù quen anh bạn rất lâu năm, nhưng anh chưa bao giờ nói chuyện này cho đến hôm qua tôi thuật lại câu chuyện trong bài báo trên Vietnamnet. Anh nói tôi nên kể cho Vietnamnet biết. Anh bạn tôi thuộc vào nhóm người nghiêm chỉnh, không thích đùa giỡn. Không một ai trong bạn bè đặt dấu hỏi về sự thật của câu chuyện gia đình anh, nhưng không ai giải thích được hiện tượng đầu thai. Trong khi những câu hỏi với mẫu tự w và h (what, when, where, why, how) cứ lởn vởn trong đầu, tôi nghĩ mình nên ghi lại câu chuyện để xem như là một bằng chứng thực tế cho những ai quan tâm và nghiên cứu về hiện tượng đầu thai.
NVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét