Đây là một bài khá giật gân mới đăng trên Vietnamnet. Tác giả tự giới thiệu là một nghiên cứu sinh kinh tế ở Mĩ. Tôi chưa đề ý đến kết luận, nhưng chú ý đến cái logic của anh này. Anh ấy lí luận như thế này:
(a) Ở Mĩ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ tiến sĩ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Suy ra, có 300 (hay 60%) trường không đạt chuẩn quốc tế. "Không đạt chuẩn" ở đây có nghĩa là không có bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế;
(b) Ở VN, tiến sĩ không có bài báo quốc tế;
(c) Suy ra, tiến sĩ Mĩ cũng chẳng ngon lành gì hơn tiến sĩ VN.
Logic kiểu này xem ra hơi ... phi logic. Có một bạn phản biện rất vui mà rất đúng như sau:
"Thật là nực cười cho cách suy luận của ngài TS kinh tế. Cách suy luận này cũng giống như nói chất lượng thịt bò của Mỹ cũng bằng chất lượng thịt bò của Việt Nam vì bò của 2 nước đều không ăn thịt chó. Một nguyên tắc so sánh là phải dùng cùng một chuẩn mà người viết còn chưa biết thì sao đáng gọi là nhận định khoa học nhỉ!."
Nguồn: http://vietnamnet.vn/bandocviet/2008/01/764009/
Tôi thì thấy là một nghiên cứu sinh mà anh Linh này không trích dẫn nguồn gốc số liệu gì cả, nên tôi không thấy thuyết phục. Con số 500 hay 200 đến từ đâu? Làm gì mà tròn trĩnh thế?! Nói vui trong tiệc hay viết trong blog thì còn cho qua được, chứ viết trên giất trắng mực đen (ủa quên, trên net) cho thiên hạ đọc thì nên nói có sách mách có chứng, chứ không thể nói khơi khơi như thế được. Cũng nên tử tế với chữ nghĩa một chút, và nhất là tôn trọng độc giả.
NVT
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/01/763848/60% tiến sỹ Mỹ không hơn tiến sỹ Việt Nam?
10:43' 13/01/2008 (GMT+7)
(VietNamNet) - Cần loại bỏ yêu cầu học vị tiến sỹ ở các vị trí lãnh đạo không cần những hiểu biết sâu về chuyên môn. Nếu các chỉ số không khả thi, sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu về chất lượng công trình nghiên cứu và nhu cầu về số lượng tiến sỹ.
Nguyễn Đa Linh, nghiên cứu sinh Kinh tế tại Mỹ tham gia ý kiến về Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển.
60% tiến sỹ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sỹ Việt Nam?
Ảnh: Lê Anh Dũng
Nghiên cứu và phát triển đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia để tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
Về chất lượng nghiên cứu, rất nhiều ý kiến yêu cầu công trình nghiên cứu (bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng), đặc biệt là công trình của các nghiên cứu sinh trong nước phải được đăng trên các tạp chí quốc tế.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu về chất lượng công trình nghiên cứu và nhu cầu về số lượng tiến sỹ. Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo mới hai vạn tiến sỹ, (đa phần được đào tạo trong nước), để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nền kinh tế.
Nếu áp đặt một tiêu chuẩn gay gắt về chất lượng thì sẽ không thể đáp ứng đủ số lượng. Bởi lẽ (i) hai vạn là một con số rất lớn (Từ 1954 đến nay, cả nước ta mới có khoảng một vạn tiến sỹ); (ii) số người đăng ký học tiến sỹ sẽ giảm đi rất nhiều; (iii) cần số tiền đầu tư cực lớn để có số lượng bài báo quốc tế tương ứng.
Trên thực tế, ngay ở các nước phát triển, đào tạo tiến sỹ chủ yếu để phục vụ công tác giảng dạy và tham gia vào các hoạt động ở khu vực công nghiệp, để đảm nhận các công việc không đòi hỏi những nghiên cứu chất lượng cao. Chỉ một phần trong số đó sẽ trở thành các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
Ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ Tiến sỹ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Có nghĩa là khoảng 60% tiến sỹ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sỹ Việt Nam. Ngay trong số 200 trường đầu tiên này, không phải các tiến sỹ ra trường đều có bài đăng tạp chí quốc tế.
Điển hình như ngành kinh tế, mặc dù Mỹ chiếm đa số các giải Nobel kinh tế và trong số 50 trường đại học hàng đầu về kinh tế, có đến 35 trường của Mỹ, nhưng nhiều sinh viên của các trường top 35 này cho đến khi nhận bằng tốt nghiệp cũng chưa có bài báo nào trên các tạp chí uy tín (Các tạp chí ít uy tín thì tôi không dám bình luận bởi vì chất lượng cũng vô cùng).
Hầu hết công trình của nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ 200 trường hàng đầu mới chỉ là tài liệu lưu hành trên Internet và đạt tiêu chuẩn cấp trường.
Tuy nhiên, dù chưa được chấp nhận xuất bản tại các tạp chí uy tín, các công trình cấp trường này cũng rất hữu ích, đóng góp không nhỏ vào các công trình sâu sắc và quy mô hơn của những người kế tiếp. (Đây chỉ là những kinh nghiệm về ngành kinh tế mà tôi biết. Việc xuất bản ở một số ngành khác có thể dễ dàng hơn).
Một quốc gia chưa có trường đại học nào nằm trong top 500 của thế giới, đầu tư cho nghiên cứu thấp như Việt Nam, mà đòi hỏi chất lượng tiến sỹ quốc tế đại trà là điều bất hợp lý.
Chính vì vậy, chỉ nên yêu cầu bắt buộc chất lượng quốc tế đối với: (i) các công trình nghiên cứu được đầu tư thoả đáng hoặc (ii) để bổ nhiệm các chức danh đặc biệt (trưởng khoa, phòng, bộ môn, phó giáo sư, giáo sư.v.v...).
Việc xác định thế nào là đầu tư thoả đáng tuỳ thuộc vào từng đề án cụ thể. Những nghiên cứu ngoài ngân sách Nhà nước, hoặc với đầu tư thấp như đào tạo tiến sỹ trong nước hiện nay chỉ nên khuyến khích xuất bản quốc tế, chứ không thể ép buộc.
8 đề xuất
1. Chương trình quốc gia về Nghiên cứu và Phát triển khoa học cần đề ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn dựa trên tiêu chuẩn Chỉ số quốc gia về ISI (Institute for Scientific Information).
2. Quản lý số công trình chất lượng quốc tế theo cơ quan và đề tài nghiên cứu chứ không theo cá nhân làm nghiên cứu.
Ví dụ, hàng năm mỗi khoa/phòng ở các viện/trường/trung tâm nghiên cứu cần đăng ký số lượng xuất bản quốc tế theo kỳ hạn; ngắn hạn (trong vòng 1 năm) và trung hạn (2-5 năm). Số đăng ký này có thể hiệu chỉnh theo từng năm để phù hợp với tình hình thực tế. Nhà nước dựa trên cơ sở đó để phân bổ ngân sách.
Ngay cả trong trường hợp ngân sách không đủ, các cơ sở nghiên cứu lớn vẫn cần tự trang trải để thực hiện những yêu cầu tối thiểu về số công trình chất lượng quốc tế do bộ chủ quản quy định.
Ngược lại, các bộ chủ quản cần nhanh chóng xây dựng những chỉ tiêu tối thiểu về số xuất bản quốc tế này. Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu bằng ngân sách cũng cần cam kết chất lượng của sản phẩm nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.
3. Đầu tư xây mới hoặc chỉ định một số khoa/phòng trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Ở các khoa/phòng này, có thể yêu cầu chất lượng quốc tế đối với hầu hết các công trình nghiên cứu.
4. Nghiên cứu sinh trong nước hợp tác nghiên cứu với các trường/viện nước ngoài hoặc đăng ký tốt nghiệp với xuất bản quốc tế, cần được ưu tiên xét hỗ trợ một phần kinh phí.
5. Xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo khoa, trường/viện/trung tâm, phó giáo sư, giáo sư… dựa trên số xuất bản quốc tế. Khuyến khích tuyển dụng những người có công trình chất lượng quốc tế vào các viện/trường/trung tâm nghiên cứu.
6. Loại bỏ yêu cầu học vị tiến sỹ ở các vị trí lãnh đạo không cần những hiểu biết sâu về chuyên môn.
7. Thư viện quốc gia và thư viện của các viện khoa học cần đăng ký tài khoản với các tạp chí trực tuyến chuyên ngành quan trọng trên thế giới với sự tham vấn của các chuyên gia từng ngành.
8. Thành lập Phòng Giám định chất lượng các công trình nghiên cứu và Cục Xúc tiến nghiên cứu, đổi mới & phát triển khoa học công nghệ.
Chi tiết về mục cuối cùng như sau:
Phòng Giám định chất lượng các công trình nghiên cứu
Đây là một mô hình phòng đăng ký thuộc Cục Sở hữu Công nghiệp, Bộ KHCN (hoặc Bộ GD&ĐT) nhằm giúp các nhà nghiên cứu khẳng định “thương hiệu quốc tế” của mình ngay tại Việt Nam, đồng thời giúp Nhà nước dễ dàng quản lý. Các cá nhân, tập thể có nhu cầu giám định chất lượng công trình nghiên cứu sẽ phải trả một khoản lệ phí đăng ký, nộp bản sao công trình dưới dạng điện tử, đường link tới tạp chí quốc tế hoặc một ấn phẩm gốc. Ấn bản điện tử và tên tạp chí quốc tế sẽ được công khai trên Internet để những người quan tâm dễ dàng kiểm tra, bình luận về chất lượng tạp chí. Sau khi các chuyên viên của phòng thẩm định khoảng 6-12 tháng, nếu không có những khiếu kiện đặc biệt, công trình sẽ chính thức được cấp giấy chứng nhận giám định. Chuyên gia của các ngành sẽ giúp phòng xây dựng danh mục phân hạng các tạp chí quốc tế. Các công trình nghiên cứu cấp trường ở các trường đại học uy tín quốc tế cũng được đăng ký ở đây.
Phòng cũng là nơi quản lý các bản đăng ký số công trình chất lượng quốc tế ngắn và dài hạn từ các cơ sở nghiên cứu.
Trên cơ sở đó có thể rút ra một ngân hàng dữ liệu các nhà nghiên cứu có công trình quốc tế. Điều này sẽ góp phần tách bạch các nhà nghiên cứu thực với các nhà nghiên cứu trên danh nghĩa. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng các tiến sỹ Việt Nam tốt nghiệp ở các trường đại học uy tín ở nước ngoài cũng sẽ vui vẻ đăng ký chứng nhận chất lượng các công trình của mình, một khi họ muốn trở về làm việc tại Việt Nam.
Cục Xúc tiến nghiên cứu, đổi mới & phát triển khoa học công nghệ
Cục xúc tiến này nhằm hỗ trợ tạo ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ. Việc hỗ trợ có thể bao gồm: tìm kiếm nguồn vốn ngoài ngân sách, tìm đối tác nghiên cứu phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tư vấn luật sở hữu trí tuệ, hội thảo, khảo sát và thăm quan, đầu tư triển vọng vào các SMEs, thành lập phòng thí nghiệm v.v…
Mặc dù đã có một vài tổ chức có hoạt động hỗ trợ NC&PT nhưng chưa có một cơ quan tầm cỡ quốc gia nào chuyên trách về vấn đề này. Cục Xúc tiến NCĐM&PT KHCN cần độc lập với các trung tâm xúc tiến thương mại đang tồn tại để chuyên môn hoá hoạt động do đặc thù của các sản phẩm/dịch vụ kỹ thuật và công nghệ cao. Theo một nghiên cứu năm 2002 của tôi về Phát triển Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tiến độ phát triển TMĐT kém xa so với mục tiêu do Đề án quốc gia về TMĐT đề ra là việc giao cho Bộ Thương mại thực hiện đề án này. Các cán bộ thực hiện đề án thiếu những nền tảng cần thiết về công nghệ cao nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Bởi vậy, Cục Xúc tiến NCĐM&PT KHCN nên bao gồm những cán bộ có nền tảng đại học về kỹ thuật và công nghệ, đồng thời có năng khiếu về marketing và sau đó sẽ được đào tạo bổ xung về quản lý và marketing.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét